Thỉnh thoảng tôi thấy hình này truyền bá trên Internet. Đây có phải hình Đức Phật không? Có người giải thích đây là do Ngài Phú Lâu Na vẽ khi Đức Phật còn tại thế (41 tuổi), được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc (?).
Tôi đã biết đến hình này khoảng 20 năm trước. Một đạo hữu ở Bắc Mỹ gửi cho tôi bản photocopy kèm lời giải thích. Về sau, tình cờ tôi thấy được hình nầy trong trang cuối của một cuốn sách Phật học cũ, xuất bản tại Việt Nam trước 1975 (tôi không nhớ tên cuốn sách này). Như thế, có thể nói tấm hình và lời giải thích về xuất xứ đã được truyền bá trong 30, 40 năm qua.
Tôi có vài nhận xét riêng – cá nhân, như sau:
1) Gương mặt giống như người Tàu, người Mông Cổ, không có vẻ là người Ấn Độ.
2) Râu tóc xồm xoàm, không giống như các Tỳ-khưu Phật giáo phải cạo râu tóc.
3) Đeo bông tai, một loại trang sức, trái nghịch với Giới luật Tỳ-khưu.
4) Trong kinh điển, mặc dù có đề cập đến Ngài Phú Lâu Na, nhưng không thấy nói Ngài có tài hội họa, vẽ chân dung.
5) Ấn Độ vào thời Đức Phật chưa chế ra giấy để viết hay vẽ (giấy là do người Tàu sáng chế).
6) Vào thời Đức Phật cho đến khoảng 500 năm sau khi Ngài nhập diệt, người Ấn Độ không có truyền thống vẽ hay tạc tượng các vị Đạo sư. Để tưởng nhớ hay để tôn kính Ngài, họ chỉ nắn, tạc hoặc khắc vào đá hình bánh xe Pháp hoặc hình cây và lá bồ đề. Đến khi đoàn quân Hy Lạp xâm lăng và định cư tại miền Tây Ấn, nghệ thuật tạc hình của Hy Lạp mới được truyền vào Ấn Độ, và từ đó, có hình tượng Đức Phật.
7) Tôi tìm tòi trên mạng, về các cổ vật Phật giáo trưng bày tại các viện bảo tàng Anh quốc, chưa bao giờ tìm thấy hình vẽ này. Thật ra, tôi chưa bao giờ tìm thấy một hình vẽ nào của Đức Phật – trên giấy hay trên vải – trong thời kỳ cổ xưa đó tại Ấn Độ.
8) Nếu quả thật đây là hình vẽ Đức Phật, lại được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc, ắt hẳn đây phải là một di tích quan trọng mà nhiều học giả Phật giáo trên thế giới biết đến. Tuy nhiên cho đến nay, qua những sách báo tài liệu về lịch sử và văn hóa Phật giáo (bằng tiếng Anh) của các học giả Phật học và các chuyên san Phật học có uy tín, tôi chưa thấy ai đề cập đến tấm hình này.
Vì thế, cho đến khi nào tôi có được những bằng chứng hay kiến giải có tính thuyết phục, tôi vẫn cho rằng đây là một bức hình có xuất xứ nguồn gốc chưa rõ ràng, giải thích chưa có căn cứ. Chúng ta không nên tiếp tục truyền bá những thông tin chưa được kiểm chứng.
Bình Anson