KINH PHÁP CÚ
15. PHẨM AN LẠC
Pháp Cú 197
Lành thay ta vui sống,
Từ ái giữa oán thù,
Giữa những người oán thù,
Ta sống không thù oán.
—————————————-
Pháp Cú 198
Lành thay ta vui sống,
Khỏe mạnh giữa yếu đau,
Giữa những người yếu đau,
Ta sống không đau yếu.
—————————————-
Pháp Cú 199
Lành thay ta vui sống,
Vô dục giữa khát khao,
Giữa những người khát khao,
Ta sống không khao khát.
Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn đang ngự gần thân tộc Thích-ca, liên quan đến việc chấm dứt sự tranh chấp giữa các bộ tộc lân bang.
Dân cư trong thành Ca-tỳ-la-vệ và dân cư thành Câu-lợi (Koliya) có chung một con sông. Sông Rohinì bắt nguồn từ một đập nước giữa hai thành phố, và cung cấp nước cho hai cánh đồng của cả hai bên. Vào tháng Jetthamùla, lúa bắt đầu chín, nông dân hai bên họp lại, dân thành Câu-lợi nói:
– Nếu nước sông chia đôi cho hai bên sẽ không đủ, lúa chúng tôi cần nước để chín. Hãy nhường nước cho chúng tôi.
Phía Thích-ca trả lời:
– Sau khi các anh đã thâu hoạch đầy bồ, chúng tôi chỉ còn nước chết đói và xách túi đi xin ăn các anh. Lúa của chúng tôi cũng cần nước để chín. Bây giờ hãy để chúng tôi lấy nước.
– Không, chúng tôi không để các anh lấy nước.
– Hừm! Chúng tôi không bao giờ nhường nước cho các anh.
Cuộc bàn cãi trở nên gay cấn, đến lúc bên này đấm bên kia một đấm, bên kia đấm trả lại và do đó có hận thù. Cuộc tranh cãi gay cấn hơn khi đôi bên bắt đầu nói xấu về cội nguồn của nhau.
Nông dân thành Câu-lợi nói:
– Hỡi dân thành Ca-tỳ-la-vệ, hãy cõng vợ bồng con đi nơi khác. Chúng ta không muốn sử dụng voi, ngựa, khí giới với lũ các người đê tiện như lang sói, cưới chị làm vợ.
Dân chủng tộc Thích-ca gào lên:
– Ðồ cùi, hãy mang vợ con đi khuất mắt. Các người tưởng rằng chúng ta thích đem khí giới, voi ngựa để đánh lại lũ ngươi, chỉ sống dưới cây táo như súc vật?
Ðám nông dân hai bên trình bày câu chuyện lên quan Tổng Trấn của họ, và các quan Tổng Trấn tâu lên vua của họ. Dòng Thích-ca chuẩn bị khí giới và la lên:
– Chúng ta sẽ chứng tỏ sức mạnh của những kẻ kết hôn với chị em bà con.
Dòng Câu-lợi cũng sửa soạn chiến tranh và đáp trả:
– Chúng ta sẽ chứng tỏ thế nào là sức mạnh của kẻ sống dưới cây táo.
Khi đức Thế Tôn quan sát thế gian vào mỗi sáng sớm, Ngài thấy sự kiện trên và nghĩ thầm: “Nếu Ta không đến giảng hòa, họ sẽ giết hại lẫn nhau mất”. Ngài bay lên hư không, ngay trên chỗ tụ họp của hoàng gia Thích-ca, và ngồi kiết già trên khoảng không của sông Rohinì. Hoàng tộc Thích-ca thấy Ngài, họ ném khí giới và đảnh lễ Phật. Thế Tôn hỏi:
– Ðại vương! Gây hấn vì chuyện gì thế?
– Bạch Thế Tôn, con không biết.
– Vậy thì ai biết?
– Có lẽ thống tướng quân binh biết.
Ông thống tướng trả lời:
– Có lẽ phó vương biết.
Cứ thế, Phật hỏi tuần tự, đến đám nông dân, và họ trả lời:
– Bạch Thế Tôn, cuộc chiến tranh này là vì con sông.
Ðức Phật hỏi nhà vua dòng Thích-ca:
– Ðại vương! Giá trị của một chút nước ruộng là ra sao?
– Bạch Thế Tôn! Chẳng đáng gì.
– Giá trị của các chiến sĩ dòng Sát-lợi như thế nào?
– Dòng Sát-lợi vô giá, bạch Thế Tôn!
– Không có gì vô lý bằng chỉ vì chút nước mà các ông tiêu diệt dòng Sát-lợi như thế.
Họ im lặng. Ðức Phật khuyên dạy:
– Chư Đại vương! Vì sao chư Đại vương hành động như thế? Nếu Ta không đến đây hôm nay, các ông sẽ cho máu chảy thành sông. Các ông hành động thật sai lầm. Các ông sống trong hận thù, nuôi dưỡng sân giận. Ta đã thoát khỏi sân hận. Các ông sống trong sự hèn yếu của dục vọng. Ta đã thoát khỏi dục vọng. Các ông say mê theo đuổi ngũ dục. Ta đã thoát ngoài ngũ dục.
Phật nói kệ:
197. Lành thay ta vui sống,
Từ ái giữa oán thù,
Giữa những người oán thù,
Ta sống không thù oán.
198. Lành thay ta vui sống,
Khỏe mạnh giữa yếu đau,
Giữa những người yếu đau,
Ta sống không đau yếu.
199. Lành thay ta vui sống,
Vô dục giữa khát khao,
Giữa những người khát khao,
Ta sống không khao khát.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))