kinh-phap-cu-pham-tinh-can
Thư pháp Đăng Học

21. Tinh cần là đường sanh,
Buông lung là ngõ tử,
Tinh cần là bất tử,
Buông lung như thây ma!

phap-cu-21
Ảnh: sưu tầm

Không buông lung đưa tới cõi bất tử (1), buông lung đưa tới cõi tử vong, người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma (2).


22. Hiểu rõ sai biệt ấy,
Người trí luôn tinh cần,
Hoan hỷ không phóng dật,
Vui Thánh quả xuất trần.

phap-cu-22
Ảnh: sưu tầm

Kẻ trí biết chắc điều ấy (3) nên gắng làm theo sự không buông lung. Không buông lung thì đặng an vui trong các cõi Thánh (4).


23. Ai chuyên tập thiền định,
Quyết tâm tu vững vàng,
Giải thoát mọi trói buộc,
Chứng Vô Thượng Niết Bàn.

phap-cu-23
Ảnh: sưu tầm

Nhờ kiên nhẫn, dõng mãnh tu thiền định (5), kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập Vô Thượng Niết Bàn.


24. Ai nỗ lực, chánh niệm,
Trong sạch và nghiêm cần,
Tự chế, sống chân chánh,
Tiếng lành tăng trưởng dần.

phap cu 24
Ảnh: sưu tầm

Không buông lung, cố gắng, hăng hái, chánh niệm, khắc kỷ theo tịnh hạnh, sinh hoạt đúng như Pháp, thì tiếng lành càng tăng trưởng.


25. Nhờ nhiệt tâm cố gắng,
Tự chế, sống nghiêm trang,
Người trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.

phap cu 25
Ảnh: sưu tầm

Bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ trí tự tạo cho mình hòn đảo (6) chẳng còn ngọn thủy triều (7) nào nhận chìm được.


26. Kẻ đần độn ngu si,
Thích buông lung phóng dật,
Người trí luôn nhiếp tâm,
Như giữ kho bảo vật.

phap cu 26
Ảnh: sưu tầm

Người ám độn ngu si đắm chìm trong buông lung, nhưng kẻ trí lại chăm giữ tâm không buông lung, như người giàu chăm giữ của báu.


27. Không say sưa dục lạc,
Không phóng dật buông lung,
Người chuyên tu thiền định,
Ðược an lạc vô cùng.

phap cu 27
Ảnh: sưu tầm

Chớ đắm chìm theo buông lung, chớ mê say dục lạc; hãy tỉnh giác tu thiền, mới mong đặng đại an lạc.


28. Nhờ diệt trừ phóng dật,
Người trí hết ưu phiền,
Lên lầu cao trí tuệ,
Nhìn chúng khổ triền miên,
Như người hiền trên núi,
Nhìn đám ngu đất liền.

phap cu 28
Ảnh: sưu tầm

Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc thánh hiền bước lên lầu trí tuệ, nhìn thấy kẻ ngu si còn nhiều lo sợ, như được lên núi cao, cúi nhìn muôn vật trên mặt đất.


29. Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa ngủ mê,
Người trí như tuấn mã,
Bỏ xa con ngựa hèn.

phap cu 29
Ảnh: sưu tầm

Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn.


30. Ðế Thích đạt Thiên Vương,
Nhờ tinh cần đi tới,
Tinh cần được ca ngợi,
Buông lung bị trách chê.

phap cu 30
Ảnh: sưu tầm

Nhờ không buông lung, Ma Già (8) được làm chủ Chư Thiên. Không buông lung được nguời khen ngợi, buông lung bị người khinh chê.


31. Tỳ kheo sợ phóng dật,
Thích nỗ lực tinh cần,
Như ngọn lửa lan dần
Thiêu sạch mọi kiết sử.

phap cu 31
Ảnh: sưu tầm

Tỷ kheo thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, ta ví họ như ngọn lửa hồng đốt thiêu tất cả kiết sử (9) lớn nhỏ.


32. Tỳ kheo thích tinh cần,
Sợ hãi nhìn phóng dật,
Ắt không bị thối thất,
Nhất định gần Niết Bàn.

phap cu 32
Ảnh: sưu tầm

Tỷ kheo nào thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, ta biết họ gần tới Niết Bàn, nhất định không bị đọa lạc dễ dàng như trước.

——————————–

CHÚ THÍCH

1. Niết Bàn (Nibbàna).

2. Bởi vì người không buông lung thì được chứng nhập Niết bàn và không còn luân hồi sanh tử tiếp nối nữa. Còn người buông lung tuy sống mà vẫn như thây chết, không biết hướng thiện, nỗ lực làm lành.

3. Khuyên đừng nên phóng dật mà hãy gắng tinh cần.

4. Cảnh giới của Chư Phật, Bích Chi và A La Hán.

5. Muốn chứng đặng Niết Bàn thì phải trừ 4 ách: Dục ách (sự tham dục), Hữu ách (mê chấp ba cõi), Kiến ách (điều tà kiến, ác kiến), Vô Minh ách (sự mê mờ).

6. Như cõi đất cao có thể tránh khỏi thủy tai. Kẻ trí khi chứng được A La Hán thì không còn bị phiền não quấy nhiễu, nhận chìm.

7. Các phiền não tham, sân, si buộc ràng và sai sử chúng sanh trong vòng ba cõi.

8. Ma già (Maghavà) tên khác của trời Đế Thích (Sarka) khi chưa đủ phúc báo để làm Trời, Đế Thích ở nhân gian tên là Ma già, nhờ công đức siêng năng quét tước sạch sẽ mà được làm chủ cõi Chư Thiên.

9. Kiết sử (Samyojana) tức là phiền não (Kilesa) – danh từ chuyên môn nhà Phật.

——————————–

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú