tung-kinh-hay-tri-kinh

Tụng là đọc, tụng. Trì là hành trì. Kinh là lời Phật dạy được khẩu truyền, sau lưu lại thành văn bản (lưu ý tam sao thất bổn).

TỤNG KINH là đọc, tụng Kinh văn nhằm để hiểu thấu đáo lời Phật dạy trao truyền qua đó. Sau khi dùng Chánh kiến tư duy tận tường thấu đáo, hành giả ứng dụng – hành trì lời Phật dạy trong đời sống thường nhật, gọi là TRÌ KINH.

Tụng Kinh là VĂN. Tư duy thấu đáo, hiểu rõ ngọn nguồn ý Kinh là . Trì Kinh là TU. Đó chính là VĂN – TƯ – TU mà Đức Phật đã từng dạy.

 

Nếu tụng Kinh mà không dùng Trí huệ – Chánh kiến để tư duy thì chỉ là đọc tụng suông, tức VĂN, không được ích lợi gì! Một đứa trẻ biết đọc cũng có thể tụng Kinh điển làu làu không thua kém! Rõ ràng lợi ích đã không có nhưng cớ sao hiện nay đa phần Phật tử lại lầm rằng: tụng Kinh càng nhiều, phước càng lớn? Đáng buồn hơn khi nhiều người nghĩ rằng: ai tụng hay, nhớ nhiều Kinh văn thì người đó tu giỏi, rồi tự đắc khoe khoang hay thầm cười mãn nguyện mà không hề biết rằng mình đang lạc lối chớ nào có tu hành, Đạo còn dịu vợi xa.

 

Nếu tụng Kinh (VĂN) mà dùng Trí huệ – Chánh kiến để tư duy, chiêm nghiệm nghĩa lý ẩn tàng rốt ráo thì đó là TƯ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây tức rơi vào thông bệnh HỌC PHẬT như đã từng nhắc nhở. Nghịch lý người tu chạy vạy theo hết bằng cấp Phật học (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ) rồi đến bằng cấp học thuật thế gian để khẳng định mình trong đội ngũ Tăng đoàn và Phật tử, để được vinh danh là Học giả Phật giáo, Từ điển Phật học “sống”, thậm chí phạm Thượng cho là “A-Nan thời hiện đại” đã biến Đạo Phật giác ngộ giải thoát thành môn học thuật thế gian, đường lối tu chơn Giới – Định – Huệ (Tu Phật) tự ngàn xưa nay lầm lạc thành sở tri chướng (Học Phật) cho chấp Ngã – chấp Pháp thêm chất ngất, Pháp vị giải thoát của Như Lai chỉ còn là khẩu thuyết theo ý mê tâm vọng phàm thường mà diễn giải sai lạc chớ nào phải tâm hành kiến ngộ Giác Tánh mà phổ truyền Diệu Pháp. Than ôi! Điển tích “Niêm hoa thị chúng” mà Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã tâm ấn mật truyền phó Pháp cho Tổ Ma-Ha-Ca-Diếp kế thừa chính là Diệu Pháp về ĐƯỜNG LỐI TU PHẬT: GIỚI – ĐỊNH – HUỆ mà Ngài đã trao truyền cho chúng sanh hậu thế y Giáo phụng hành, người tu thời nay sao chẳng liễu ngộ Phật ý mà Mê sự lao xao theo sự tướng huyễn bào? Bao đời chư Tổ “dĩ tâm ấn tâm” mà hoằng truyền mạng mạch Phật Pháp tại thế gian chớ nào có ai a dua theo bằng cấp, học vị, danh lợi… tầm thường lắm mùi tục lụy như sạn thốn mắt? Chớ hỏi vì sao hiện nay, Thiện-tri-thức thật sự đúng nghĩa nào có mấy ai! Do đó, bất kỳ ai, kể cả tu sĩ, nếu chỉ VĂN – TƯ mà không TU thì nặng trược chướng ngã HỌC PHẬT, không phải TU PHẬT nên đó không phải là người tu hành chơn chánh. Phước hay chướng nếu miệng thuyết mà tâm chẳng hành chơn chánh tương ưng? Nhân – Quả theo đó ra sao, tin rằng Đại chúng đã rõ!

 

Nếu tụng Kinh (VĂN), sau đó dùng Trí huệ – Chánh kiến để tư duy, chiêm nghiệm tận tường thấu đáo ý Kinh (TƯ) rồi lãnh thọ, tinh tấn hành trì trong đời sống thường nhật, trau Tâm dưỡng Tánh, nhiêu ích chúng sanh thì đó là TU, lợi lạc vô cùng tùy theo căn trí và tâm lượng của mỗi người. Hãy nhớ: Phật đạo do tâm hành mà giác nên sự hành trì tu dưỡng càng cao, công phu thiền định càng thâm thì nghiệp chướng càng chóng tiêu trừ, trí huệ càng sáng, đức hạnh càng sâu, đến khi Chơn tâm Giác tánh hiện tiền (kiến Tánh) thì diệu dụng hóa độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương như Chơn nguyện là vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.

 

* TÓM LẠI

TỤNG KINH không lợi lạc gì! Dẫu có thường xuyên, đều đặn tụng Kinh mỗi ngày 4 thời trước Phật đài đi nữa thì cũng phí công vô ích mà thôi! Như Ngũ giới hay Thập giới của phái cư sĩ tại gia có lẽ ai cũng biết, tuy nhiên nếu không thọ trì thì cái biết đó có ích lợi cho đời sống của mình không? Hay tụng Kinh Vu Lan nói về lòng yêu thương bao la vô điều kiện, công ơn sanh thành dưỡng dục và đức hy sinh cao cả của Cha Mẹ dành cho con cái, ta có nghĩ đến thực tế mình đã vuông tròn Hiếu đạo hay chưa? Nghĩ đến rồi, ta có chuyển thành hành động thiết thực ân cần quan tâm, chăm sóc, hiếu để với mẹ cha bất luận tháng ngày không hay chỉ là “hiếu trong tư tưởng” rồi thôi? Ta có nỗ lực tu hành để hồi hướng cho song thân, dẫu Người còn hay đã khuất, nói riêng cũng như tất cả Pháp giới chúng sanh nói chung, đền đáp Tứ ân trong muôn một hay chưa?… Hãy tự soi xét lại mình mà tỉnh ngộ và tinh tấn hành trì lời Phật dạy!

TRÌ KINH thì muôn phần lợi ích, sai khác tùy tâm lượng thọ trì của mỗi người!

Rốt ráo hơn, TRÌ TÂM tức trưởng dưỡng hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả, tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi. Nếu có thể công phu đến NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI thì ĐỊNH – HUỆ khai, kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh!

CHƠN KINH, DIỆU PHÁP được lưu xuất từ Trí Huệ Vô Sư, Chơn tâm Giác tánh của Bậc kiến Tánh nên luôn khế lý hiệp chơn, không bị Tà mị hư vọng tam sao thất bổn. Và chỉ có Bậc kiến Tánh mới minh định liễu trạch rốt ráo Diệu Pháp Phật truyền giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay.

Ai thống thiết với sự sanh tử vô thường thoáng không hẹn trước, ai xót xa thấu cảm với nỗi khổ của tha nhân và muôn vạn chúng sanh như thể mình đồng cảnh ngộ mà nguyện Từ Bi cứu độ tất cả, tiếp gót Như Lai thì chắc chắn người đó sẽ không màng sanh tử mà tự giác nhẫn lực tu hành miên mật không mệt mỏi. Ngược lại, a dua vui say thói tục dưới hình tướng Tăng sĩ và danh nghĩa Phật Pháp trên sự cúng dường của đàn na tín thí và niềm tin Tam Bảo của chúng sanh thì chắc chắn Phật chủng không còn, huệ mạng dứt lìa, khổ đọa muôn kiếp.

Mong tất cả tỉnh tâm TU PHẬT!

 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên