* CÂU HỎI
Kính thưa Thầy, cho con được hỏi: Thế nào là tinh thần Lục Hòa của nhà Phật ạ?
Con cảm ơn Thầy!
Nam mô A Di Đà Phật!
* PHÚC ĐÁP
Lục Hòa: là 6 pháp hòa kính để huynh đệ trong cùng 1 Đạo tràng dìu dắt nhau tấn tu bất thoái, góp phần giữ gìn và hoằng truyền mạng mạch Phật Pháp tại thế gian.
Đã bước vào cửa Đạo tu hành thì không nặng lòng trần nơi thế sự, hỷ xả muôn duyên trói buộc lại phía sau mà thúc liễm thân tâm tỉnh giác một lòng chơn tu Phật. Hãy liễu tri pháp Lục Hòa theo trình tự sau để hành trì:
1. GIỚI HÒA ĐỒNG TU
– Là nhiếp tâm thành Giới, tức miên mật nhiếp phục 6 căn trụ nơi Diệu Pháp (Phật hiệu, thoại đầu, mật chú) trong mọi lúc mọi nơi giữ không tạp loạn (Định), nhất là khi tiếp duyên đối cảnh trong sinh hoạt thường nhật (Huệ).
– Là tâm hành: tôn Sư trọng Đạo, huynh đệ tương kính lẫn nhau, hằng phản quan tự kỷ – hồi quang phản chiếu – trực tâm y Tánh (Từ – Bi – Hỷ – Xả, Vô ngã, Vô trụ) tu hành.
2. Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT
– Là tỉnh giác vạn Sự vô thường – vạn Pháp vô ngã, tin sâu luật Nhân Quả – Nghiệp báo, mong thoát khổ luân hồi sanh tử trầm mê (Chánh kiến, Tam pháp ấn).
– Là lòng cầu Đạo giác ngộ chí thành thống thiết (Bồ-đề tâm), sanh tử không màng (Xả ly tâm), mãi không thoái thất.
– Là Chánh tín bất động vào 10 phương Chư Phật và Diệu Pháp Như Lai.
– Là nghiêm hành theo hạnh Phật, nhẫn lực tinh tấn tâm thiền miên mật 3 thời chẳng mỏi (Chánh niệm), sanh tử chẳng màng (Chánh tinh tấn) –> hạnh tự giác (Vô ngã).
– Là hạnh nguyện từ bi tiếp gót Chư Phật độ tận chúng sanh –> hạnh giác tha (Vô trụ).
– Là tâm hạnh Bi – Trí – Dũng hồi Tà hiển Chánh, hoằng khai – hộ trì Phật Pháp cửu trụ Ta Bà.
Từ GIỚI HÒA ĐỒNG TU và Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT nêu trên sẽ dẫn hướng hành giả:
3. THÂN HÒA ĐỒNG TRỤ
– Là trực Tâm trang nghiêm thanh tịnh Đạo tràng nơi thân tâm mình (Chánh nghiệp, Chánh mạng).
– Là biểu tướng oai nghi phạm hạnh Thân giáo tự hiển lộ từ Tâm Giới trang nghiêm an trụ nơi Diệu Pháp Phật (như đã giảng ở 2 mục trên).
4. KHẨU HÒA VÔ TRANH
– Là trực Tâm nói lời Chánh ngữ để trạch Pháp tiến tu; không hý luận thế sự, giải đãi buông lung, ngã tướng hơn thua theo thói đời ô trược.
– Là biểu tướng oai nghi phạm hạnh Khẩu giáo tự hiển lộ từ Tâm Giới trang nghiêm an trụ nơi Diệu Pháp Phật.
5. KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI
– Là trực Tâm giúp nhau tư duy Pháp (Chánh tư duy) trên nền tảng Chánh kiến của nhà Phật để tăng trưởng Trí – Tín – Hành theo Diệu Pháp, tránh mê lầm lạc Đạo, hồi Tà hiển Chánh.
6. LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN
– Là trực Tâm chia sẻ, giúp nhau đạt được Pháp lạc – Pháp vị giải thoát khi thọ trì Diệu Pháp Phật. Đó chính là Chánh nghiệp – Chánh mạng trong Bát Chánh Đạo của nhà Phật.
* TÓM LẠI
Có thể nói: Giới hòa đồng tu và Ý hòa đồng duyệt giữ vai trò chủ đạo trong pháp Lục Hòa của nhà Phật.
Hành pháp Lục Hòa tức Tâm hành tôn chỉ: Tôn Sư trọng Đạo – Huynh đệ tương kính lẫn nhau – Nghiêm trì Giới đức – Trực tâm y Tánh tu hành – Nguyện độ tận chúng sanh.
Ngoài ra, đã cùng tu chung trong 1 Đạo tràng, hễ gặp việc gì đều không xét đoán vội vàng theo ngã tướng chủ quan, thiếu Chánh kiến và Trực tâm. Đối cảnh dù thuận duyên hay nghịch lòng trái ý nhau, trước hãy tỉnh giác Chánh Niệm, đừng để thoái thất Đạo tâm, làm nô lệ cho bản ngã; sau hãy Trực tâm chia sẻ tất cả trên tinh thần Lục Hòa tương kính, hướng thượng; rồi cuối cùng tự tứ – sám hối trước Tam Bảo!
Hãy tinh tấn: NHẪN những việc khó nhẫn trong đời, DUNG những điều khó dung trong thiên hạ, HỶ XẢ những điều khôn xả của thế gian, TỪ BI quảng đại vô ngại đối với tất cả, Tâm hành VÔ TRỤ thì Đại nguyện độ tận chúng sanh ắt có ngày thành tựu viên mãn!
Mỗi hành giả tu Phật trong Đạo tràng nếu TRỰC TÂM Y TÁNH thực hành rốt ráo pháp Lục Hòa như trên thì Đạo tâm ngày càng ngời sáng, bản ngã vô minh tự tiêu trừ, Đạo tràng ắt tự trang nghiêm thanh tịnh, là nơi nương tựa cho thập phương chúng sanh hồi tâm sám hối quy Phật tu hành.
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
————————————————-
Tham khảo: