phat-phap-van-dap-23-bat-chanh-dao

* CÂU HỎI

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

Kính gửi Đạo tràng Tu Phật!

Con thường đến chùa và được nghe nhiều Pháp thoại về Bát Chánh Đạo của Quý Thầy giảng. Do con có duyên được thỉnh và đọc Đường Lối Tu Phật của Thầy Cổ Thiên nên nay xin mạo muội được hỏi để con hiểu thêm: Bát Chánh Đạo là gì?

Con thành kính cảm ơn!

 

* PHÚC ĐÁP

Chữ “Chánh” trong Bát Chánh Đạo không phải là chân chánh thường tình của thế gian mà là Chánh Pháp Phật (Diệu Pháp, Chơn lý).

– Chân chánh thường tình thuộc về Đạo của Nhơn thừa hoặc Thiên thừa, nằm trong Lục đạo luân hồi.

– Chánh Pháp Phật được Chư Phật khai thị, Tăng Bảo truyền thừa để độ tận chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương đoạn chấp (Ngã, Pháp) liễu mê, kiến ngộ Phật Tánh, liễu thoát tử sanh.

+ Đó chính là: Duyên Khởi (Vô thường, Vô ngã), Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Đạo, Diệt), luật Nhân – Quả chí công và Nghiệp báo luân hồi, Tứ Vô Lượng Tâm (Từ – Bi – Hỷ – Xả vô lượng), Lục độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ).

+ Đường lối tu Phật: Giới – Định – Huệ.

Do đó, những luận thuyết nào nằm ngoài tinh tủy trên quyết KHÔNG phải là Chánh Pháp Phật (nhấp xem bài: Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp). 

bat-chanh-dao

Vậy, rốt ráo mà nói, Bát Chánh Đạo là: 

1. Chánh Kiến: là nhận biết Sự đúng theo Chánh Pháp Phật như đã giảng ở trên.

2. Chánh Tư Duy: là tư duy trên nền tảng Chánh kiến để trưởng dưỡng trí tín và tu hành đúng theo Chánh Pháp Phật.

3. Chánh Ngữ: là Pháp ngữ trạch Pháp hướng hóa chúng sanh tin sâu nhân quả, hồi tâm sám hối, quy Phật tu hành… đúng theo Chánh Pháp Phật.

4. Chánh Nghiệp: là tịnh tam nghiệp thân – khẩu – ý (nhờ tâm an trú nơi Phật hiệu), nhẫn lực thọ trì Diệu Pháp nghiêm hành theo hạnh Phật… đến sanh tử chẳng màng (tức TỰ GIÁC); là góp phần hoằng truyền – hộ trì Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh (tức GIÁC THA).

5. Chánh Mạng: lấy Diệu Pháp và công phu thiền định làm nguồn sống, Từ – Bi – Hỷ – Xả và hạnh nguyện độ tận chúng sanh làm lẽ sống trên cõi đời đắm chìm vô minh, tham – sân – si, ngũ dục ô trược… 

6. Chánh Tinh Tấn: miên mật tâm thiền “Diệu A Di Đà Phật” (hoặc Nam mô A Di Đà Phật) đến sanh tử cũng chẳng màng.

7. Chánh Niệm: tâm thiền “Diệu A Di Đà Phật” (hoặc Nam mô A Di Đà Phật) miên mật không gián đoạn.

8. Chánh Định: Vô Niệm Ba-la-mật.

Bát Chánh Đạo là Chánh Pháp Phật TRỰC CHỈ CHƠN TÂM để chúng sanh TRỰC TÂM Y TÁNH TU HÀNH, tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn. Hành trì theo Bát Chánh Đạo rốt ráo đến đâu là tùy TÂM, không phân biệt hạn lượng theo giả tướng (tu sĩ, cư sĩ). Ai thống thiết tử sanh, từ bi vô lượng trước khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh, cảm trọng ân đức của Tam Bảo chẳng thể nào đền đáp mà buông xả thân tâm vì tất cả sẽ tiến tu vô ngại trên đường giác ngộ – giải thoát của Chư Phật. 

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————

Tham khảo: