phat-phap-van-dap-17-tuy-duyen-bat-bien

* CÂU HỎI

Bạch Thầy!

Con đang hành trì tham Tổ Sư Thiền. Con có thắc mắc dưới đây xin phép được hỏi Thầy.

Đoạn vấn đáp sau là giữa một Thiền sinh và cố Hòa thượng Thích Duy Lực:

HỎI: Các vị Tổ dùng cơ xảo để độ chúng sanh, như ngài Qui Tông chém rắn, Nam Tuyền chém mèo, đoạn mạng chúng sanh như thế có bị nhân quả không?

ĐÁP: Nay mình chưa đến chỗ đó, chỉ dùng ý thức phân biệt suy lường không thể biết được. Ví như sự sát sanh, phải có sự sanh tử mới có sự sát sanh, người chứng quả rồi rõ ràng chẳng còn việc sanh tử. Vốn đã chẳng có sự sanh để cho sát thì làm sao có sự sát sanh? Ấy chỉ là do bộ não suy ra lý này, thật ra, dùng ý thức của mình đoán mò hành vi của chư Tổ, cho đó là đúng cũng có lỗi, cho là không đúng cũng có lỗi; đúng và không đúng là đối đãi, lọt vào nhị biên, còn tương đối, nằm trong năm thứ ác kiến. Bản thể của Phật tánh tuyệt đối, còn việc làm của chư Tổ vô trụ, việc này phải đợi khi tự ngộ rồi mới biết, chưa ngộ mà bắt chước việc làm của Tổ thì không được. Lại nữa, công phu chưa đến chỗ, dù chỉ còn thiếu một chút, mà dám cho là phải như thế, như thế, là phải chịu nhân quả. Công án “đi tiêu ngược”của Sơ Sơn sau đây chứng minh điều đó:

“Ngài Hương Nghiêm là vị Tổ kiến tánh triệt để, còn Sơ Sơn kiến giải cũng rất cao. Sơ sơn phê bình Hương Nghiêm có chỗ chưa đúng. Hương Nghiêm hỏi:

– Vậy phải làm sao mới đúng?

Sơ Sơn bảo Hương Nghiêm phải đảnh lễ rồi mới chịu nói. Hương Nghiêm làm theo lời, Sơ Sơn nói ra, Hương Nghiêm bảo: 

– Ông nói như thế, nay tôi thọ ký cho ông phải tiêu ngược trong ba mươi năm.” 

Đúng như lời Hương Nghiêm, Sơ Sơn ói ra phân trong hai mươi bảy năm mới ngộ. Sau khi ngộ, mặc dù không còn ói ra phân, nhưng vì muốn làm đúng theo lời Hương Nghiêm, mỗi lần ăn vào cứ ói ra thức ăn chứ không phải ói ra phân nữa.
Cho nên, hễ công phu chưa đến mức, không thể dùng ý thức đoán mò, đoán bậy mà phải trả quả báo, có hại chứ không có ích. Nay cứ đề câu thoại đầu khởi nghi tình hỏi tới mãi, ngoài ra không biết tới là tốt nhất, đến khi nào ngộ mới biết.”

(trích Duy Lực Ngữ Lục, Quyển Hạ)

Con rất mong được nghe lời khai thị của Thầy từ câu hỏi của Thiền sinh ạ. Kính Thầy!

* PHÚC ĐÁP

Tinh yếu tham thiền là khán thoại đầu – khởi nghi tình miên mật không chỉ trong lúc dụng công tọa thiền mà cả trong mọi sinh hoạt đời thường. Thế thì tuy sống giữa khổ ải trần lao nhưng 6 căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) hằng được nhiếp phục bởi chỉ có Chánh nghi KHÔNG BIẾT đang miên mật không ngừng. Nắm được đường lối tham thiền, Phật tử hãy tinh tấn dụng công, đâu cần tìm hiểu, nhớ biết, lập tri thêm vọng kẻo tự chướng không hay.

Ngoài ra, qua câu hỏi: “Các vị Tổ dùng cơ xảo để độ chúng sanh, như ngài Qui Tông chém rắn, Nam Tuyền chém mèo, đoạn mạng chúng sanh như thế có bị nhân quả không?”, xét thấy cần phải nói rõ thêm những điểm quan trọng cần lưu ý như sau để tránh ngộ nhận:

  • Rốt ráo mà nói, TỪ tức năng độ chúng sanh an trú trong Diệu Pháp Phật tinh tấn tu hành; BI tức độ tận chúng sanh thoát khổ sanh tử luân hồi; HỶ – XẢ tức sẵn sàng hỷ xả thân mạng, sanh tử chẳng màng, thậm chí Phật quả cũng không vì hạnh nguyện hóa độ chúng sanh kiến ngộ Phật Tánh, viên thành Phật đạo. Do đó, tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả là tâm Phật, là gốc của Đạo, của hạnh nguyện thù thắng và vạn Pháp siêu xuất thế gian.
  • Vì vậy, Bậc kiến Tánh hoằng Pháp độ sanh luôn thuận theo tánh đức Từ Bi nơi tự tâm; đồng thời hằng xiển dương lý Nhân Quả – Nghiệp báo tuần hoàn giúp phàm mê cải ác tu Phật, hồi Tà hiển Chánh. Do đó, Bậc kiến Tánh sẽ không vì khai ngộ độ chúng sanh này mà sát hại chúng sanh kia, đi ngược lại lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng của nhà Phật.
  • Chư Phật, Chư Tổ và những Bậc kiến Tánh luôn tùy duyên (khế cơ) khai mở phương tiện thiện xảo để độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương. Dẫu cơ xảo đó tâm trí phàm mê không thể nghĩ bàn nhưng luôn bất biến (khế lý), tức hằng thuận lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng và luật Nhân Quả – Nghiệp báo mà độ tận chúng sanh. Đây là lý tùy duyên – bất biến của nhà Phật: trên khế Phật lý, dưới thiện xảo độ tận mọi căn cơ kiến ngộ Phật Tánh. Nếu trái Phật lý, lìa Tánh mà độ sanh thì đó là Tà hạnh hành Ma sự, chắc chắn không phải công hạnh của một Tỳ Kheo chơn chánh, huống gì những Bậc kiến Tánh. Phàm phu chúng sanh nếu lìa Tánh tu hành chỉ luống công vô ích thì Bậc kiến Tánh hạnh nguyện Từ Bi tròn đầy, sao có thể chướng trái lìa Tánh mà hoằng Pháp độ sanh?
  • Phật dạy: “hàng Tỳ Kheo trong sạch đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ” thì huống gì ác tâm sát hại sanh linh để độ người, làm trái lời Phật dạy mà xứng danh “Tổ” ư?

Do đó, nếu thật sự có việc ngài Nam Tuyền chém mèo, Qui Tông chém rắn để độ đương cơ thì chứng tỏ họ chưa thông đạt lý tánh, không phải là Tỳ Kheo chơn chánh. Đó là chưa kể nếu chiếu theo Nhân – Quả, đương cơ cầu Pháp có thể phải cộng chịu nghiệp sát dù muốn hay không bởi vì mình mà nên sự sát hại, còn người hành sát nghiệp để độ người dưới danh nghĩa Phật Pháp ắt phải đọa lạc Tam đồ ác đạo mà thôi.

Từ đó cho thấy điển tích này đã bị tam sao thất bản, không nên truyền thừa rộng rãi vì trái lý Đạo từ bi. Nếu bảo các Ngài “chém rắn, chém mèo, đoạn mạng chúng sanh” để khai ngộ đương cơ thì có khác gì hủy báng tâm hạnh chư Tổ, những bậc đã kiến Tánh, chứng quả Vô Sanh.

* TÓM LẠI

Dù tu theo Pháp môn nào (niệm Phật, tham thiền, trì chú) mà không trưởng dưỡng Từ – Bi – Hỷ – Xả, không nghiêm trì Giới – Định – Huệ, lìa (Giác) Tánh tu hành thì Đạo mãi càng xa.

Hành đạo độ chúng phải tùy duyên (khế cơ) bất biến (khế lý). Nếu phan duyên hành sự chướng trái lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng và đạo lý Nhân Quả – Nghiệp báo thì đó là phàm mê nghịch đạo. Người ngộ Đạo chẳng làm chuyện trái Đạo.

Bậc kiến Tánh tâm hạnh vô trụ nhưng Chơn tâm Giác tánh từ bi luôn hướng đến cứu độ chúng sanh chuyển mê khai ngộ theo mật nguyện của riêng mình. Tâm mê nếu không dùng tâm Phật để hóa độ, hỏi lấy gì độ? Tâm Phật từ bi vô lượng, sao có thể lạm sát chúng sanh này để độ chúng sanh khác? Còn đâu lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng nhà Phật? Vì vậy, đừng tin theo mặt chữ trong công án hay kiến giải của ai mà mê lầm “dùng não thức” đánh đồng Vô-minh là Bát-Nhã, gán ác tâm sát nghiệp luân hồi cho là cơ xảo phá chấp độ sanh của Bậc kiến Tánh thì có khác gì hủy Phật báng Tổ. Chư Tổ hằng thuận theo Giác Tánh từ bi nguyện hóa độ chúng sanh nên “chém rắn, chém mèo” là công án bị tam sao thất bản, hủy báng chư Tổ, trái nghịch đạo lý.

Trí Huệ Bát Nhã (Trí Huệ Vô Sư) chỉ có từ công phu tâm thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, không phải do học, hiểu, nhớ, biết, suy luận… từ tâm trí phàm ngu mà được. Cùng tột của Diệu Pháp Phật không thể liễu hội bằng tâm mê trí phàm. Nếu dùng mê tâm thiển trí của phàm phu để biện giải thì ắt sẽ điên đảo Phật lý mà thôi. Qua Sự hiển Lý, nơi Lý hiển Tánh thì đừng điên đảo Phật lý để đốn bỏ Phật Tánh từ bi – bình đẳng, chướng mê sẽ chất chồng, tu Đạo vô ích.

Hãy tâm thiền miên mật khán – nghi KHÔNG BIẾT, đừng tham cứu Kinh điển, phan duyên tự chướng. Đến khi thành tựu Vô Niệm Tam Muội thì kiến ngộ Giác Tánh, tự khắc sẽ liễu triệt thực tướng của vạn Pháp.

Do nhân duyên Phật tử thỉnh cầu Pháp nên hành giả chia sẻ những điều trái lý Đạo trong điển tích tam sao thất bản trên hầu tránh ngộ nhận lan truyền, vô tình gieo nghiệp hủy báng chư Tổ.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————–

Xem thêm: