KINH PHÁP CÚ

14. PHẨM PHẬT ĐÀ

Pháp Cú 179

Phap-Cu-179
Ảnh: sưu tầm

Sạch dục lạc tham ái,
Bặt khát vọng trên đời,
Trí lực Phật vô lượng.
Cám dỗ sao được ư?

———————————

Pháp Cú 180

Phap-Cu-180
Ảnh: sưu tầm

Giải thoát mọi ràng buộc,
Bặt ái dục trên đời,
Trí lực Phật vô lượng,
Cám dỗ sao được ư?

Ðức Phật dạy câu này khi Ngài ngồi dưới cội Bồ-đề, có liên quan đến các cô gái con của Ma Vương, và được lặp lại ở nước Kurus, với Bà-la-môn Màgandiyà.

1A. Phật không nhận Màgandiyà

Chuyện kể rằng có một Bà-la-môn tên Màgandiyà, ở nước Kuru (Câu-lâu), có một cô con gái cũng tên là Màgandiyà (Mạn-la-hoa) đẹp tuyệt trần. Rất nhiều nhà giàu có và thế lực thuộc dòng dõi Bà-la-môn và Sát-đế-lợi, muốn cưới cô làm vợ nhưng ông từ chối:

–   Các người không xứng đáng với con ta.

Ngày nọ, khi đức Thế Tôn quan sát căn cơ chúng sanh vào buổi sáng sớm, Ngài thấy ông Bà-la-môn cùng vợ ông đều có thể đắc Tam quả (A-na-hàm). Bấy giờ, ông Bà-la-môn nọ thường canh lửa ở ngoài làng. Thế Tôn đắp y mang bát đi đến đó. Từ xa, nhận thấy vẽ sáng rực của đức Phật, ông thầm nghĩ: “Trên đời này không ai sánh nổi người này, rất xứng với con gái ta, ta sẽ gả cho anh ta“. Ông ta nói với Phật:

–   Này Sa-môn, tôi chỉ có một đứa con gái, tôi tìm cho nó một người chồng xứng đôi nhưng chưa thấy, nên chưa gả cho ai. Ông xứng đáng với nó, tôi sẽ gả nó cho ông. Hãy đến đợi đây tôi sẽ dẫn nó đến.

Thế Tôn đứng nghe, không nói gì. Bà La Môn về nhà bảo vợ:

–   Bà nó ơi ! Hôm nay tôi tìm được một người chồng xứng với con gái mình. Hãy gả nó cho anh ta.

Bà La Môn trang điểm cho con, dắt vợ con đi đến chỗ Phật. Ðám đông hiếu kỳ kéo theo sau. Ðức Phật, thay vì đứng tại chỗ đã hẹn, đã đi sang nơi khác, cố ý để lại dấu chân (Khi đức Phật ấn chân và nói: “Hãy để người như thế, như thế… nhìn dấu chân”, dấu chân chỉ hiện ở nơi ấy và không nơi nào khác)

Vợ ông Bà-la-môn hỏi:

–   Anh ấy đâu?

–   Tôi đã bảo anh ta đứng đây.

Nhìn quanh thấy dấu chân, Bà-la-môn chỉ cho vợ:

–   Dấu chân anh ấy đây.

Người vợ đã quen với việc nhận biết dấu hiệu, lập tức bảo chồng:

–   Ông à, đây không phải là dấu chân của người theo đuổi dục lạc.

–   Bà này cứ quan trọng vấn đề. Khi tôi bảo anh ta là tôi sẽ gả con cho, anh ta nhận lời mà.

–   Ông muốn nói gì thì nói, nhưng đây là dấu chân người thoát khỏi tham dục.

Bà nói kệ:

Dấu chân người tham dục không rõ.
Dấu chân người ác không hằn sâu.
Dấu chân người si mê thì dao động.
Ðây là dấu chân người thoát khỏi lưới đam mê.

Ông Bà-la-môn gắt:

–   Thôi đi, bà đừng lảm nhảm nữa, im mồm mà đi theo tôi.

Ði tới một chút, ông thấy đức Phật, bèn chỉ cho vợ:

–   Anh ấy đây rồi.

Ði đến gần, ông nói:

–   Sa-môn, tôi sẽ gả con gái cho anh.

Thế Tôn thay vì nói: “Ta không cần đến con gái ông”. Ngài nói:

–   Này Bà-la-môn! Tôi có vài điều muốn nói với ông, hãy nghe tôi.

–   Nói đi, tôi sẽ nghe.

Thế Tôn kể cho người Bà-la-môn nghe câu chuyện xảy ra trong đời Ngài, lúc ẩn tu. Sau đây là phần tóm lược câu chuyện.

1B. Phật Cự Tuyệt Các Cô Gái Con Ma Vương

Thái tử, đã từ bỏ ngai vàng, leo lên lưng ngựa Kiền-trắc, có Xa-nặc tùy tùng, tiến về trước trên đường ẩn tu. Khi ra khỏi cổng thành, Ma Vương nói:

–   Tất-đạt-đa! Hãy trở lại, trong bảy hôm nữa Ngài sẽ làm Chuyển Luân Vương.

–   Ta cũng biết vậy, Ma Vương, nhưng ai không thích điều đó.

–   Vậy vì mục đích gì Ngài đi vào rừng ẩn cư?

–   Ta muốn tìm giác ngộ.

–   Ðược rồi, kể từ hôm nay, nếu Ngài khởi ý nghĩ tham dục, xấu ác, ta sẽ hành động.

Từ đó, Ma Vương theo dõi thái tử trong bảy năm, chờ cơ hội. Trong sáu năm, thái tử khổ hạnh, rồi với sự cố gắng, Ngài đạt giác ngộ dưới cội bồ-đề, Ngài ngồi tại đấy trải qua niềm vui của sự giải thoát. Khi đó, Ma Vương ngồi trên cõi trời, nhìn xuống với vẻ đau khổ, nghĩ thầm: “Ta theo dõi Ngài suốt thời gian, tìm cơ hội, nhưng chẳng có dịp, giờ đây Ngài đã thoát khỏi quyền lực của ta!”.

Ba người con gái của Ma Vương là Tham ái, Sân hận, Dâm đãng hỏi nhau:

–   Cha chúng ta ở đâu?

Nhìn khắp nơi, họ thấy Ma Vương đang ngồi đấy, họ đến gần và hỏi:

–   Thưa cha, vì sao cha có vẻ âu sầu và thất vọng đến thế?

Ma Vương thuật câu chuyện, các Ma nữ nói:

–   Cha đừng vội thất vọng, chúng con sẽ chế ngự và sẽ dẫn y về đây.

–   Các con ơi, không ai có thể chế ngự Ngài ấy đâu.

–   Chúng con là nữ nhi, chúng con sẽ làm y mù quáng bởi nhục dục. Sẽ dắt y về cha đừng chán nản.

Họ đến gần Phật, nói:

–   Sa-môn, chúng em muốn làm kẻ nô lệ cho người.

Thế Tôn chẳng màng đến lời họ cũng chẳng buồn để mắt tới họ.

Các Ma nữ bàn tán: “Ðàn ông họ thích nhiều hạng. Có kẻ thích thiếu nữ, người khác thích thiếu phụ xuân xanh, người thích thiếu phụ trung niên, người ưa đàn bà già. Chúng ta sẽ mê hoặc y bằng mọi hình dáng“. Và với thần thông mỗi Ma nữ biến hóa nữ nhân đủ mọi lứa tuổi. Hoặc là thiếu nữ hoặc thiếu phụ chưa sanh con, đã sanh con, một con, hai con, thiếu phụ trung niên, lão bà, họ lui tới gặp Phật sáu lần, và nói:

–   Sa-môn, chúng em muốn làm nô lệ Ngài.

Ðức Thế Tôn cũng chẳng để ý đến, thái độ tự tại, làm như các thứ tạo nên thân Ngài thảy đều tan hoại. Nhưng sau đó chúng chẳng chịu rút lui, Thế Tôn bảo:

–   Hãy đi! Các ngươi thấy gì mà gắng sức mê hoặc Ta? Hành động như vậy chỉ có kết quả với ai chưa giải thoát tham dục và những đam mê thấp hèn. Như Lai đã thoát khỏi tham dục. Các người muốn chế ngự Ta được sao?

Ngài nói kệ:

179. Sạch dục lạc tham ái,
Bặt khát vọng trên đời,
Trí lực Phật vô lượng.
Cám dỗ sao được ư?

180. Giải thoát mọi ràng buộc,
Bặt ái dục trên đời,
Trí lực Phật vô lượng,
Cám dỗ sao được ư?

Nói kệ xong, nhiều Thiên Thần được Pháp nhãn, ba cô Ma nữ biến mất. Ðức Phật bảo Bà-la-môn:

–   Màgandiyà, ngày xưa, Ta đã thấy ba Ma nữ ấy, thân thể như vàng ròng tinh khiết không có đờm dãi và những thứ bất tịnh khác của thân thể, Ta cũng không hề khởi tham đắm. Còn thân ái nữ ông, đầy đủ ba mươi hai thứ bất tịnh, một cái bình nhơ uế được sơn phết. Dù cho chân Ta lấm bùn, cô gái này nằm phục ở ngưỡng cửa Ta, Ta chẳng muốn chạm đến cô, dù là chỉ bằng gót chân.

Ngài nói kệ:

Ðã từng thấy Tham ái, Sân hận, Dâm dục,
Ta không hề khởi tham đắm.
Thân thể xấu xa như thế này,
Ta không muốn chạm đến dù gót chân.

(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))