KINH PHÁP CÚ
8. PHẨM MUÔN NGÀN
Pháp Cú 112
Dù sống đến trăm năm,
Lười biếng không tinh tấn,
Chẳng bằng sống một ngày,
Nỗ lực tu tinh tấn.
Tại Kỳ Viên, Phật đã dạy như thế, liên quan đến Trưởng lão Sappadàsa.
Tại Xá-vệ, một chàng trai gia thế nghe Phật thuyết pháp, đi tu và được nhận vào Tăng đoàn. Sau một thời gian bất mãn, chàng tìm cách tự sát vì nghĩ rằng thà chết hơn làm một tu sĩ.
Một hôm, sáng sớm, các Tỳ-kheo đến tinh xá sau khi thọ thực, thấy một con rắn trong Pháp đường, nằm ở lò sưởi, liền bỏ vào bình, đậy lại mang ra ngoài tinh xá. Tỳ-kheo bất mãn thấy thế liền giành mang ném bình đựng rắn, cốt cho rắn cắn để chết. Ông đến một chỗ vắng ngồi xuống, thọc tay vào bình quậy tới quậy lui nhưng nó không cắn. Thậm chí ông mở miệng rắn, chọt ngón tay vào nó cũng không cắn, ông ném nó đi cho đó là rắn hiền, không phải là rắn độc. Và ông kể lại cho các Tỳ-kheo ở nhà y như thế. Họ không chịu là rắn hiền vì nó phùng mang, rít lên, bắt nó phát mệt. Nhưng khi ông ta bảo là nó không chịu cắn dù làm mọi cách, họ im luôn.
Tỳ-kheo bất mãn vốn là người hớt tóc cho cả tinh xá. Một hôm ông đến tinh xá cầm theo hai, ba dao cạo. Một để trên sàn, một cạo tóc. Lần đó ông nghĩ sẽ lấy dao cắt đứt họng tự tử. Rồi ông tựa cổ lên một cành cây, dí lưỡi dao vào khí quản. Trong tư thế đó, ông phản quán về thái độ cư xử của mình trong thời gian làm bổn phận của một Sa-di, và nhận rằng hạnh kiểm của mình tốt đẹp như mặt trăng sáng trong hay châu ngọc chiếu sáng. Ông vui mừng khắp toàn thân. Nén vui, ông khai triển Minh-sát-tuệ và chứng A-la-hán cùng các thần thông. Ông buông dao cạo và trở vào tinh xá. Gặp các Tỳ-kheo khác hỏi chuyện, ông thưa thật, và kết luận thay vì cứa cổ với dao cạo, ông đã cứa bỏ tham dục với dao trí tuệ. Các Tỳ-kheo không tin, thưa chuyện với Thế Tôn. Phật nghe kể, bảo:
– Các Tỳ-kheo! Người đã thoát khỏi tham dục thì không thể dứt mạng sống của chính mình.
Họ hỏi Phật tiếp:
– Bạch Thế Tôn! Ngài bảo người này đã trừ hết tham dục, tại sao đã có khả năng chứng A-la-hán mà còn bất mãn? Sao ông có đủ khả năng chứng quả? Sao ông không bị rắn cắn?
– Các Tỳ-kheo! Chuyện đơn giản là con rắn đó là nô lệ của ông ta ở kiếp trước, nên không dám cắn chủ.
Và Ngài kể lại vắn tắt nguyên nhân. Do đó Tỳ-kheo này có tên là Sappadàsa (Người có rắn làm nô lệ).
Chuyện quá khứ
11A. Bất Mãn Và Tham Ðắm
Vào thời Phật Ca-diếp, một chàng trai thế phiệt nghe Phật thuyết pháp đi tu. Hết thời gian làm tròn bổn phận, ông bất mãn. Tỳ-kheo bạn khuyên bảo và kể đời sống gia đình bất lợi như thế nào. Ông nghe theo và tiếp tục tu.
Một hôm, ngồi trên bờ hồ rửa pháp cụ bụi bám suốt thời gian ông bất mãn, ông nói với Tỳ-kheo bạn định sẽ cho pháp cụ khi có ý định hoàn tục. Ông kia nghe thế nổi lòng tham nên giở giọng ta thán đời sống xuất gia: “Sống làm chi mà cầm bình bát ăn mày từ nhà này sang nhà khác, còn bị cấm chuyện trò với vợ con! Vả lại nếu anh bạn có ở lại hay ra khỏi Tăng đoàn thì cũng chẳng hề hấn ai!” Thế rồi ông này ca tụng thêm đời sống gia đình. Tỳ-kheo trước đây bất mãn bây giờ trở lại bất mãn. Nhưng chợt nghĩ tại sao ông bạn mình trước đây ta thán đời sống gia đình, bây giờ lại ca tụng. Và ông cũng chợt hiểu là ông bạn thèm muốn pháp cụ của mình.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
– Như thế, này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo vì đã bất mãn thời Phật Ca-diếp nên bất mãn thời hiện tại, và vì thiền định suốt hai mươi ngàn năm nên bây giờ đủ duyên lành chứng A-la-hán.
Các Tỳ-kheo nghe xong, hỏi Phật tiếp một câu nữa:
– Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo này bảo đã chứng A-la-hán ngay khi lưỡi dao chạm cổ họng. Có thể nào chứng quả thời gian ngắn như thế không?
Phật bảo:
– Ðúng vậy, các Tỳ-kheo. Một Tỳ-kheo phấn đấu hết sức mình có thể chứng quả khi nhấc chân lên, khi đặt chân xuống đất, hoặc cả ngay khi bàn chân chạm đất. Vì một người phấn đấu hết sức mình dù chỉ một khắc còn hơn là sống lười biếng cả trăm năm.
Và Phật đọc Pháp Cú:
Dù sống đến trăm năm,
Lười biếng không tinh tấn,
Chẳng bằng sống một ngày,
Nỗ lực tu tinh tấn.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))