KINH PHÁP CÚ
11. PHẨM GIÀ YẾU
Pháp Cú 152
Người ít nghe kém học,
Phát triển như trâu bò,
Thịt xương ngày một to,
Trí tuệ chẳng tăng trưởng.
Phật dạy câu này tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Ca-lưu-đà-di.
Trưởng lão này ưa đến các nhà nơi dân chúng làm lễ và đọc kệ về tang tế như “Họ đứng bên ngoài cõi chết”. Thay vì nói những lời thích hợp như thế, có nghĩa là còn sống mãi, khi tang lễ đang tiến hành ông lại nói những câu kệ không dính dáng như “Bố thí và xót thương”. Hoặc một câu trong kinh Kim Cang “Bất cứ tài sản nào có được, đời này cũng như đời sau”. Thật ra, bất kể đi đến đâu, nếu ông dự định nói một điều gì đó thì khi mở miệng cũng khác hẳn, và chính ông không biết mình đã lỡ lời nói không đúng.
Các Tỳ-kheo nghe ông nói bèn trình lên Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ca-lưu-đà-di đi đến chỗ lễ lạc hay tang ma có lợi ích gì? Ðiều đáng phải nói, Ca-lưu-đà-di nói trật lất.
Thế Tôn đáp:
– Các Tỳ-kheo! Ðây không phải lần đầu Ca-lưu-đà-di nói như thế mà ở kiếp trước ông ta luôn luôn không nói điều đúng rồi, lại nói trật lất.
Chuyện quá khứ
7A. Aggidatta, Somadatta Và Nhà Vua
Xưa, có một Bà-la-môn tên là Aggidatta ngụ tại Ba-la-nại có con là Somadatta theo hầu vua rất được sủng ái. Ông sống bằng nghề nông, chỉ có hai con bò đực, lại chết mất một con. Ông bảo con xin nhà vua con bò khác. E vua hiểu lầm mình lợi dụng quyền chức để xin xỏ, Somadatta bảo cha trực tiếp đến xin vua, và sợ ông không biết ăn nói, anh chịu khó chỉ dạy thật tỉ mỉ. Anh dẫn cha đến bãi thiêu xác tên là Bụi Cuscus, nhặt cỏ bó thành từng túm, bảo:
– Ðây là nhà vua, đây là phó vương, đây là tổng tư lệnh quân đội. Vào hoàng cung cha phải đi vào như thế này đây, lùi bước như thế này đây. Rồi cha tâu lên nhà vua trước, phó vương sau. Ðến gần vua, cha phải tâu “Bệ hạ cao quý muôn năm!” Và đứng như vầy, rồi đọc bài kệ sau:
Tôi có hai con bò đực giúp tôi cày bừa.
Nhưng một con đã chết,
Xin cho tôi con khác, vương tử anh hùng!
Bà-la-môn mất hết một năm mới thuộc bài kệ trên. Ông cho con biết, rồi hai cha con cùng mang lễ vật lên đường. Ðến nơi, Somadatta đến ngồi vào chỗ cận vua. Bà-la-môn một mình mang lễ vật đến sân rồng. Vua vui mừng thấy ông, hỏi thăm vồn vã:
– Chào ông bạn! Ông bạn đã đi đường xa, hãy ngồi lên giường này và cho ta biết ông bạn cần chi?
Bà-la-môn lấy hết sức mình đọc bài kệ một lèo:
Tôi có hai con bò đực giúp tôi cày bừa,
Nhưng một con đã chết,
Xin lấy con còn lại, vương tử anh hùng!
Vua ngạc nhiên hỏi:
– Nói gì lạ vậy, ông bạn? Hãy lặp lại!
Nhưng ông vẫn nhắc lại y như trước. Vua biết ông lỡ lời nói ngược lại ý của mình, bèn cười bảo:
– Somadatta, chắc ngươi có nhiều bò đực ở nhà.
Somadatta thưa:
– Tâu bệ hạ, nhiều bằng số bệ hạ đã ban cho chúng tôi.
Vua hài lòng với câu trả lời của vị Phật tương lai, nên ban cho Bà-la-môn mười sáu con bò đực, thêm nữ trang và đồ gia dụng, và một ngôi làng để trú ngụ. Như thế vua đã ban cho Bà-la-môn quà tặng xứng đáng và vinh dự to lớn.
Phật kể chuyện xong, đồng hóa như sau:
– Thời đó nhà vua là A-nan. Bà-la-môn là Ca-lưu-đà-di và Somadatta chính là Ta.
Và Ngài nói thêm:
– Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải lần đầu tiên ông ta không thể nói đúng việc đúng thời vì quá ngu si. Thực vậy, người ít nghe kém học không khác gì con trâu đực.
Phật đọc tiếp Pháp Cú:
Người ít nghe kém học,
Phát triển như trâu bò,
Thịt xương ngày một to,
Trí tuệ chẳng tăng trưởng.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))