KINH PHÁP CÚ
7. PHẨM A-LA-HÁN
Pháp Cú 98
Làng mạc hay núi rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
La hán trú chỗ nào,
Nơi ấy được an lạc.
Câu này Thế Tôn dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Khadiravaniya Revata.
9A. Revata Ði Tu
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất từ bỏ gia tài tám trăm bảy mươi triệu trở thành Tỳ- kheo, ba người chị của Ngài là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà cùng với hai em trai Canda và Upasena đều đi tu, chỉ còn em út là Revata, tức Ly-bà-đa ở nhà. Nghĩ rằng nếu chú út Ly-bà-đa cũng đi tu nốt thì tất cả gia tài này sẽ tiêu tan, gia đình sụp đổ, nên bà mẹ định cưới vợ cho chú dù hãy còn nhỏ. Trưởng lão Xá- lợi-phất có lẽ đoán biết trước nên có căn dặn các Tỳ-kheo khi Ly-bà-đa xin đi tu thì chấp nhận ngay, vì cha mẹ còn giữ tà kiến không thể xin phép họ, Trưởng lão là cha mẹ của Ly-bà-đa.
Ly-bà-đa lên bảy thì được mẹ sửa soạn cưới vợ là một cô gái nhà lành. Ngày cưới đã định, với trang phục đẹp đẽ và trang sức đắt tiền, chú dẫn đoàn tùy tùng đến nhà gái. Thân tộc hai họ đặt vào tay cô dâu chú rể một bình nước, chúc mừng và bảo cô dâu:
– Chúc cô được như bà nhé! chúc cô sống lâu như bà nhé!
Ly-bà-đa thắc mắc không hiểu “bà” là ai, và giống bà là sao. Họ chỉ một bà lão trên một trăm hai mươi tuổi rụng hết răng và tóc bạc, mặt mũi nhăn nhúm, nốt ruồi đầy mình, lưng cong như nóc nhà hình chóp uốn. Chú hỏi lại cho chắc:
– Nhưng vợ tôi có ngày cũng giống như thế à?
– Ðúng vậy, nếu cô ta sống dai.
Revata nghĩ thầm: “Vợ ta kiều diễm như thế, già đi thì xấu xí như vậy, chắc là anh Upatissa cũng thấy sự biến đổi này, chắc là ta phải bỏ chạy đi tu thôi!”.
Thế là Ly-bà-đa quyết định ngay. Cùng cô dâu lên kiệu đi một đoạn đường, chú bảo kiệu ngừng xuống cho chú đi vệ sinh. Chú chạy vội vào một bụi cây, ở đó một lúc, xong trở lại lên kiệu. Lần thứ hai rồi lần thứ ba, họ hàng riết rồi chẳng ai thèm để ý nữa. Lần cuối, họ cứ đi trước không thèm chờ chú. Ly-bà-đa trốn thoát và đến chỗ ba mươi Tỳ-kheo đang sống gần đó, đảnh lễ họ thưa xin được nhận vào Tăng đoàn. Họ thấy chú trang sức quá đẹp, không biết là con vua hay con quan nên ngần ngừ. Chú khẩn khoản:
– Chư Tôn giả không nhận ra con sao? Con là em út của Upatissa.
Họ ngơ ngác hỏi:
– Upatissa là ai?
– Chư Tôn giả, phải rồi. Các Tỳ-kheo gọi anh con là Xá-lợi-phất nên không biết tên Upatissa.
– Chú là em út của Xá-lợi-phất à? Vậy thì đến đây! Anh chú đã giao phó cho chúng tôi việc này.
Rồi họ tháo bỏ châu báu trên người chú, nhận chú vào Tăng đoàn và nhắn tin đến Trưởng lão. Ngài đến gặp Phật và xin đi thăm em, lần thứ nhất và lần thứ hai đức Phật đều chưa cho phép mà hẹn sẽ cùng đi thăm các Tôn giả sau.
Sa-di Ly-bà-đa đang sợ rằng ở đây bà con sẽ kéo đến bắt về nhà, nên chú xin các Tỳ-kheo dạy đề mục thiền quán hướng đến quả vị A-la-hán, rồi giã từ các Tỳ- kheo, đắp y ôm bát lên đường khất thực.
Hành trình suốt ba mươi dặm, chú đến khu rừng keo, ở lại đó hết mùa mưa, và chứng A-la-hán cùng các thần thông trước khi mãn hạ.
9B. Ðức Phật Thăm Ly-Bà-Ða.
Sau lễ Tự Tứ, Trưởng lão Xá-lợi-phất lại đến xin Phật cho đi thăm em, lần này được chấp thuận. Phật cùng lên đường với năm trăm Tỳ-kheo. Ðược một đoạn ngắn, đến ngã ba, Trưởng lão A-nan bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có hai đường đi đến chỗ Ly-bà-đa. Một đường an toàn dài sáu mươi dặm, có người ở, và đường kia thẳng tắp, dài ba mươi dặm, có ác thần quấy nhiễu. Chúng ta sẽ đi lối nào?
Phật hỏi lại:
– Này, A-nan! Có Sìvali đi với chúng ta không?
– Dạ có, bạch Thế Tôn!
– Thế thì giá nào cũng phải đi đường thẳng.
Thay vì nói “Ta bảo đảm các ông sẽ được cung cấp súp và cơm, hãy đi đường ngắn”, Phật lại bảo đi đường thẳng nếu có Sìvali, vì Ngài biết các Tỳ-kheo sẽ được cúng dường do phước báo từ một thiên nghiệp.
Ngay khi Thế Tôn đặt chân lên đường, thần rừng bảo nhau sẽ lễ kính Sìvali. Họ dựng nhà nghỉ ở mỗi dặm trên suốt con đường. Các Tỳ-kheo chưa đi xa hơn một dặm thì họ đã dậy sớm lấy súp, cơm và những thức ăn khác từ trời đếm tìm Trưởng lão Sìvali. Trưởng lão dâng lên Phật cùng chúng Tăng những món họ cúng dường cho Ngài. Như thế Phật cùng Tăng chúng hành trình suốt ba mươi dặm vừa xa vừa khó khăn, và hưởng đủ phước báo dành cho Trưởng lão Sìvali.
Biết Thế Tôn đến, Trưởng lão Ly-bà-đa đã dựng ngay một hương thất cho Phật bằng thần lực, năm trăm nhà ở có tháp, năm trăm lối đi có mái che và năm trăm chỗ ở đêm và ngày cho các Tỳ-kheo. Thế Tôn ở đây trọn một tháng như khách của Trưởng lão Ly-bà-đa, hưởng phước báo từ công đức của mỗi một mình Trưởng lão Sìvali.
Có hai Tỳ-kheo già cũng đến đó, thấy thế thắc mắc, làm sao Ly-bà-đa có thể hành thiền khi bận rộn với biết bao công trình xây dựng mới này. Họ cho rằng Thế Tôn đã tỏ ra thiên vị em út của Xá-lợi-phất.
Thế Tôn sáng sớm quan sát thế gian, thấy hai Tỳ-kheo này cùng với ý nghĩ của họ. Vì thế ngày họ ra khỏi rừng, Phật khiến họ quên mang theo đồ đựng dầu, bình nước và giày. Họ vừa ra khỏi cổng tinh xá, Phật thi triển thần thông. Lập tức hai Tỳ-kheo đó kêu lên:
– Tôi để quên cái này, quên cái nọ.
– Chết! tôi cũng vậy.
Cả hai trở lại chỗ cũ tìm kiếm quanh quất. Gai keo đâm quẹt chân cẳng họ mà chẳng thấy đồ đạc để đâu, cuối cùng họ bắt gặp treo trên cành cây keo.
Thế Tôn và Tăng chúng ở đó thêm một tháng nữa, cũng hưởng phước báo từ công đức của Sìvali, rồi đến ngụ ở Pubbàràma. Hai Tỳ-kheo già kia sáng sớm rửa mặt xong đến nhà thí chủ Tỳ-xá-khư khất thực. Họ được mời ngồi, ăn súp với thức ăn cứng. Tỳ-xá-khư hỏi thăm họ:
– Chư Tôn giả có theo Thế Tôn đến chỗ Trưởng lão Ly-bà-đa không?
– Có, cư sĩ!
– Chư Tôn giả, chỗ của Trưởng lão là một chỗ tuyệt đẹp.
– Tuyệt đẹp gì đâu! Là một rừng toàn là cây keo đầy gai trắng cư sĩ ạ. Chỉ thích hợp với ẩn sĩ.
Sau đó có hai Tỳ-kheo trẻ đến gõ cửa. Cư sĩ cũng dâng lên họ thức ăn cứng với súp rồi hỏi lại câu trên.
Họ đáp:
– Cư sĩ, thật không thể mô tả bằng lời. Chỗ ở của Trưởng lão giống như cung điện thiên đường Sudhammà được tạo bằng thần lực.
Kẻ trước người sau nói khác nhau. Tỳ-xá-khư suy ra chắc Thế Tôn thi triển thần thông đúng như sự việc đã xảy ra. Tuy thông minh đoán biết như thế, bà vẫn chờ để hỏi Thế Tôn.
Thế Tôn và Tăng đoàn đến nhà Tỳ-xá-khư, ngồi xuống chỗ đã được dọn sẵn. Bà kính cẩn phục vụ. Cuối bữa ăn bà đảnh lễ Thế Tôn, thưa hỏi:
– Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đi theo Ngài có người bảo rằng chỗ ở của Trưởng lão Ly-bà-đa là một khu rừng keo gai góc. Người khác lại nói đó là chỗ tuyệt đẹp, vậy là thế nào?
Phật đáp:
– Cư sĩ, dù đó là một ngôi làng hay một khu rừng, hay bất cứ nơi nào A-la-hán ngụ, chỗ ấy đều tuyệt diệu.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(98) Làng mạc hay núi rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
La hán trú chỗ nào,
Nơi ấy được an lạc.
Một lần khác, các Tỳ-kheo bàn tán với nhau không hiểu tại sao Trưởng lão Sàvali ở trong bụng mẹ bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Tại sao Ngài phải đọa địa ngục? Làm thế nào Ngài đạt đến tuyệt đỉnh danh lợi? Phật nghe thế liền thuật lại:
Chuyện quá khứ
9C. Cúng Mật Và Bao Vây Thành
Này các Tỳ-kheo! Cách đây chín mươi mốt kiếp, đức Phật Vipassì ra đời. Nhân chuyến du hành khất thực trong xứ, Ngài trở về thành của vua cha. Dân chúng được loan tin đóng góp thêm với vua để cúng dường Phật cùng Tăng đoàn. Xong bổn phận rồi, họ muốn cúng dường riêng và nhiều hơn, nên mời Thế Tôn, luôn cả vua, vào ngày hôm sau. Thấy phẩm vật dồi dào, vua muốn cúng hơn nên vua mời Thế Tôn ngày kế tiếp. Hai bên thi nhau giành phần hơn, nhưng dân không hơn nổi vua, vua không hơn nổi dân. Ðến lần thứ sáu dân chúng quyết định ngày mai sẽ cúng dường sao cho vua không thể nói là thiếu món này, món nọ được. Mật đã có rất nhiều để nấu ăn, nhưng không có mật tươi. Họ phải sai người ra bốn cửa thành, mỗi người mang một ngàn đồng, kiếm mua.
Bấy giờ có một người dân quê, trên đường vào thành gặp thôn trưởng, thấy một tổ ong trên cây. Ðuổi ong đi, anh cắt nhánh cây lấy mật, định sẽ biếu thôn trưởng. Người tìm mật thấy anh liền gạ hỏi mua. Anh không bán. Anh kia nằn nỉ trả giá mãi, từ một xu lên dần. Anh dân quê nghĩ bụng ông này chắc có tiền nên càng neo giá, cuối cùng lên đến một ngàn đồng thì anh chịu bán, nhưng cũng không quên nói thêm một câu:
– Này ông bạn, ông có điên hay không biết cách xài mật? Mật này không đáng giá một giác (bằng một phần tư xu) mà ông trả đến một ngàn đồng nghĩa là sao?
Anh kia giải thích:
– Ðúng vậy. Nhưng vì tôi cần mật này để cúng dường đức Phật Vipassì với sáu mươi tám ngàn Tỳ-kheo.
– Nếu vậy tôi sẽ không bán với giá nào cả. Nếu tôi nhận được công đức cúng dường tôi sẽ trao không cho ông.
Anh kia mang mật trở về và thuật chuyện, dân chúng tin sâu vào sự bố thí cúng dường nên đều đồng ý dành một phần công đức cho anh nhà quê. Ðến ngày trai tăng, Phật và Tăng chúng được dâng chỗ ngồi, súp và thức ăn cứng. Một bình bát đựng đầy mật được mang đến. Anh dân quê cũng mang một chai sữa dâng, rót vào bình, trộn với mật và dâng lên Phật và Tăng chúng. Tất cả các Tỳ-kheo đều nhận đủ phần mình mà vẫn còn dư mật (vì có thần lực trong đó).
Do làm một việc thiện nhỏ như thế, anh dân quê tái sanh vào cõi trời. Sau một thời gian dài anh sanh làm hoàng tử xứ Ba-la-nại, nối ngôi khi vua cha băng hà. Tân vương đăng quang xong, quyết định đánh chiếm thành của nước láng giềng.
Vua bao vây thành, bắn tin với dân chúng hoặc chiến đấu hoặc trao vương quốc. Họ không chiến đấu cũng không trao vương quốc, mà cố thủ. Họ ra vào bằng cổng nhỏ, kiếm củi, nước.v.v.. Vua gác ở bốn cổng chánh và bao vây thành suốt bảy năm, bảy tháng. Mẹ vua biết chuyện bảo vua ra lệnh đóng hết cổng nhỏ và phong tỏa kín mít. Vua vâng lệnh, dân chúng không thể ra khỏi thành được nữa, và vào ngày thứ bảy họ giết vua dâng thành và vương quốc. Vì phạm tội này, mạng chung vua bị đọa vào địa ngục A-tỳ đau đớn cho đến khi mặt đất được nâng cao lên một dặm. Vì đóng hết cổng nhỏ nên hết kiếp đó ông đầu thai vào bụng mẹ, ở đó suốt bảy năm, bảy tháng, nằm ngang tử cung bảy ngày. Như thế, các Tỳ-kheo, qua việc bao vây thành, Sìvali phải chịu khổ ở địa ngục và nằm lâu trong thai mẹ; nhưng vì công đức cúng dường mật tươi ông được lợi dưỡng tột đỉnh.
Lại một ngày khác, các Tỳ-kheo bàn tán về lợi lộc to lớn cũng như công đức vượt bậc của Sa-di Revata do dựng năn trăm nhà có tháp nhọn cho năm trăm Tỳ- kheo. Thế Tôn nghe qua bèn dạy:
– Các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta không còn bị dính mắc vào thiện và ác, ông đã từ bỏ cả hai.
Và Phật đọc Pháp Cú trong phẩm Bà-la-môn:
(412) Người sống ở đời này,
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi,
Ta gọi Bà-la-môn.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))