33. Tâm dao động bất thường,
Khó hộ trì nhiếp phục,
Người trí điều tâm phúc,
Như thợ tên uốn tên.
Tâm kẻ phàm phu thường dao động hốt hoảng khó chế phục, nhưng kẻ trí chế phục tâm làm cho chính trực dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên.
34. Như cá vớt khỏi nước,
Quăng trên bờ đất khô.
Tâm lo sợ vùng vẫy,
Vượt thoát cảnh Ma đồ.
Như cá bị quăng lên bờ, sợ sệt vùng vẫy thế nào, thì cũng như thế, các người hãy đem tâm lo sợ, phấn đấu để mau thoát khỏi cảnh giới Ác ma.
35. Tâm đổi thay khó kiểm,
Vun vút theo dục trần,
Lành thay điều phục tâm,
Ðiều tâm thì an lạc.
Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, dao động không dễ nắm bắt. Chỉ những người nào đã điều phục được tâm mình mới được yên vui.
36. Tâm tế vi, khó thấy,
Vun vút theo dục trần,
Người trí phòng hộ tâm,
Phòng tâm thì an lạc.
Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, biến hóa u ẩn khó thấy, nhưng người trí lại phòng hộ tâm mình, và được yên vui nhờ tâm phòng hộ ấy.
37. Tâm lang thang cô độc,
Vô hình, ẩn hang sâu (*),
Người điều phục tâm rồi,
Hẳn thoát vòng ma buộc.
(*) Trú xứ của thức
Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu (1); ai điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc.
38. Người tâm không an định,
Chánh Pháp không liễu tri,
Tín tâm bị lung lạc,
Trí tuệ chẳng đạt gì.
Người tâm không an định, không hiểu biết Chánh Pháp, lòng tin không kiên cố, thì trí tuệ khó thành.
39. Người tâm không ái dục,
Không bị sân nhuế hành,
Vượt trên mọi thiện ác,
Tỉnh giác, hết sợ quanh.
Người tâm đã thanh tịnh, không còn các hoặc loạn, vượt trên thiện và ác (2), là người giác ngộ chẳng sợ hãi.
40. Biết thân như nồi đất,
Trụ tâm như thành trì,
Ðánh ma bằng gươm trí.
Thủ thắng, đừng lụy gì.
Hãy biết thân này mong manh như đồ gốm, giam giữ tâm ngươi như thành quách, ngươi hãy đánh dẹp ma quân với thanh huệ kiếm và giữ phần thắng lợi (3), chớ sanh tâm đắm trước (4).
41. Rồi đây thân xác này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất nằm vô thức,
Như gỗ mục bên đường.
Thân này thật không bao lâu sẽ ngủ một giấc dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vứt bỏ như khúc cây vô dụng (5).
42. Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm niệm ác,
Do chính ta hại ta.
Cái hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù hay oan gia đối với oan gia, không bằng cái hại của tâm niệm hướng về hạnh tà ác (6) gây ra cho mình.
43. Mẹ cha hay bà con,
Không làm gì được cả,
Chính nhờ tâm nguyện lành,
Ðưa ta lên cao cả.
Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện (7) làm cho mình cao thượng hơn.
——————————–
CHÚ THÍCH
1. Mấy câu này đều hình dung cái tâm.
2. Khi chứng được A La Hán thì vô lậu thiện nghiệp viên mãn, hữu lậu ác nghiệp và hữu lậu thiện nghiệp đã hết rồi, không còn tạo nghiệp mới nữa, và tuy ở trong đạo quả viên mãn mà thường làm những việc lợi tha một cách tự nhiên.
3. Kết quả thắng lợi là chỉ có cảnh giới Thiền định được tiến bộ.
4. Không nên nhiễm trước vào Thiền cảnh đã chứng được, phải nỗ lực cầu tiến mãi.
5. Phật giáo đồ các nước Phật giáo nam phương mỗi khi lâm chung có lệ thỉnh chư Tăng đến để cúng dường làm phước lần chót. Chư Tăng liền tụng bài bài kệ này ba biến.
6. Đem tâm hướng về 10 hạnh ác: sát sinh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, thô ác ngữ, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến.
7. Đem tâm hướng về 10 hạnh lành: cúng dường, trì giới, tu thiền định, tôn kính, tác sự, hồi hướng công đức, tùy hỷ công đức, thính pháp, thuyết pháp, chánh kiến.
——————————–
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú