197. Lành thay ta vui sống,
Từ ái giữa oán thù,
Giữa những người oán thù,
Ta sống không thù oán.
Sung sướng thay chúng ta (*) sống không thù oán giữa những người thù oán. Giữa những người thù oán, ta sống không thù oán.
—————————————-
(*): Phật tự xưng.
198. Lành thay ta vui sống,
Khỏe mạnh giữa yếu đau,
Giữa những người yếu đau,
Ta sống không đau yếu.
Sung sướng thay chúng ta sống không tật bệnh giữa những người tật bệnh (*). Giữa những người tật bệnh, ta sống không tật bệnh.
—————————————-
(*): Tật bệnh đây chỉ các phiền não thống khổ.
199. Lành thay ta vui sống,
Vô dục giữa khát khao,
Giữa những người khát khao,
Ta sống không khao khát.
Sung sướng thay chúng ta sống không tham dục giữa những người tham dục! Giữa những người tham dục, ta sống không tham dục.
200. Lành thay ta vui sống,
Không chướng ngại ngấm ngầm,
Tận hưởng nguồn hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm.
Sung sướng thay chúng ta sống không bị điều gì chướng ngại (*), ta thường sống với những điều hỷ lạc như những vị Trời Quang Âm (2*).
—————————————-
(*): Không còn các phiền não chướng như tham, sân, si v.v…
(2*): Lúc Phật ở tạm nơi thôn của một Bà la môn tên Ngũ ta la (Pancasala), một hôm Ngài vô xóm làng khất thực, không gặp ai cúng dường, một kẻ Ma Vương đứng ở cửa làng thấy Phật mang bát đi về không, mới cười chọc nói rằng: “Ngài chưa được thực phẩm, ắt phải đi vào thôn xóm khất thực để giải quyết sự đói”. Nhân đó Phật nói bài này.
201. Chiến thắng gây thù hận,
Thất bại chuốc khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau.
Thắng lợi bị thù oán, thất bại bị đau khổ; chẳng màng tới thắng bại, sẽ sống hòa hiếu an vui.
202. Lửa nào bằng lửa tham.
Ác nào bằng ác hận.
Khổ nào bằng khổ thân.
Vui nào bằng Tịch Tịnh.
Không lửa nào bằng lửa tham dục, không ác nào bằng ác sân hận. Không khổ nào bằng khổ ngũ uẩn và không vui nào bằng vui Niết Bàn.
203. Ðói bụng, bịnh tối trọng.
Thân xác, khổ vô vàn.
Hiểu đúng sự thật ấy,
Ðạt Vô Thượng Niết Bàn.
Đói là chứng bệnh lớn, vô thường (*) là nỗi khổ lớn; biết được đúng như thế, đạt đến Niết Bàn vui tối thượng.
—————————————-
(*): Nguyên văn: Sankhara dịch là hành, tức là pháp hữu vi có sanh diệt, trong Pali chú thích uẩn (khandha).
204. Sức khỏe là lợi ích.
Biết đủ là giàu sang.
Thành tín là họ hàng.
Niết Bàn là hạnh phúc.
Không bệnh là điều rất lợi, biết đủ là kẻ rất giàu, thành tín là nơi chí thân, Niết Bàn là vui tối thượng.
205. Ai nếm mùi Tịch Tịnh,
Hưởng hương vị độc cư,
Thoát âu lo cấu nhiễm,
Pháp hỷ được cả người.
Ai từng nếm mùi độc cư, ai từng nếm mùi tịch tịnh, người ấy còn ưa nếm mùi Pháp vị, để xa lìa mọi tội ác, sợ hãi.
206. Lành thay gặp Thánh nhân,
Phúc thay được kết thân,
Không gặp kẻ ngu muội,
Thực anh lạc muôn phần.
Gặp được bậc Thánh nhơn là rất quí, vì sẽ chung hưởng sự vui lành. Bởi không gặp kẻ ngu si, nên người kia thường hoan hỷ.
207. Sống với kẻ si mê,
Ắt bốn bề sầu tủi.
Gần gũi người ngu muội,
Khổ như gần kẻ thù.
Thân cận bậc Trí tu,
Vui như gặp thân thuộc.
Đi chung với người ngu, chẳng lúc nào không lo buồn; ở chung với kẻ ngu khác nào ở chung với quân địch. Ở chung với người trí vui như hội ngộ với người thân.
208. Nên gần bậc Hiền trí,.
Bậc Trì giới đa văn,
Bậc Đạo hạnh, Thánh Tăng,
Bậc Thiện nhơn, túc trí,
Thân cận vậy thật quý,
Như trăng theo đường sao.
Đúng thật như vậy (*): Người hiền trí, người đa văn, người trì giới chân thành và bậc Thánh giả, được đi theo những bậc thiện nhân, hiền tuệ ấy, khác nào mặt trăng đi theo quỹ đạo tinh tú.
—————————————-
(*): Câu này là câu tiếp liền trên dưới.
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú