MA HA CA CHIÊN DIÊN (MAHA KACCANA)
BẬC THẦY VỀ LUẬN GIẢI PHẬT NGÔN

Tác giả: Nyanaponika Thera & Hellmuth Hecker
Hiệu dính: Bhikkhu Bodhi
Huớng dẫn: Hòa Thuợng Kim Triệu Khippapañño
Soạn dịch: Ban Biên Tập Thích Ca Thiền Viện
cuoc-doi-duc-ma-ha-ca-chien-dien-02

-ooOoo-

PHẦN 2

QUY Y GIÁO PHÁP

Theo Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh, trong kiếp chót, thời Đức Phật Gotama, Kaccāna là con trai của một giáo sĩ của hoàng cung (purohita) thành Ujjeni, thủ đô xứ Avantī miền tây nam của Trung Ấn. Cha mẹ ngài đều thuộc thị tộc Kaccāyana hay Kaccāna, một trong những dòng dõi lâu đời và khả kính nhất của hàng bà-la-môn. Sanh ra với thân hình có màu da vàng óng nên ngài được đặt tên là Kañcana, nghĩa là màu vàng kim. Là con của một giáo sĩ bà-la môn của triều đình, khi lớn lên Kañcana Kaccāna được học kinh Vệ Đà, cuốn kinh thiêng liêng nhất của bà-la-môn giáo. Khi thân phụ qua đời, Kañcana Kaccāna kế nghiệp, trở thành giáo sĩ triều đình dưới triều vua Caṇḍappajjota, một vị vua tánh khí nóng nảy và bốc đồng.

Khi nghe tin có Đức Phật ra đời, vua bèn họp quần thần và truyền họ đi thỉnh mời Đức Phật đến viếng Ujjeni. Triều thần đều đồng ý rằng người duy nhất có thể đảm nhận trọng trách này là giáo sĩ Kaccāna. Nhưng giáo sĩ Kaccāna chỉ nhận nhiệm vụ này với một điều kiện: được phép trở thành tăng sĩ sau khi gặp Đức Phật. Nhà vua sẵn sàng chịu bất kỳ điều kiện nào để được gặp Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nên chấp thuận lời yêu cầu này.

Kaccāna lên đường với bảy người hầu cận. Họ gặp Đức Phật và được Ngài thuyết giảng Giáo Pháp. Đến cuối pháp thoại, cả tám vị đều đạt quả a-la-hán cùng với bốn tuệ phân tích (paṭisambhidā-ñāṇa). Đức Bổn Sư cho họ thọ giới đơn giản bằng cách đưa tay lên, đón chào họ gia nhập vào Tăng chúng, và nói: “Hãy đến đây, các tỳ khưu.”

Sau đó, vị tân tăng Mahākaccāna bắt đầu ca ngợi lên Đức Phật vẻ đẹp tráng lệ của kinh đô Ujjeni. Đức Thế Tôn hiểu rằng Kaccāna muốn mời Ngài đến viếng quê hương của mình. Nhưng Bổn Sư đáp rằng bây giờ chỉ cần một mình Kaccāna về Ujjeni cũng đủ, vì Đại đức đã đủ khả năng truyền dạy Giáo Pháp và truyền niềm hứng khởi cùng đức tin cho Vua Caṇḍappajjota.

Trên đường trở lại quê nhà, chư vị sa môn ghé thành Telapanāḷi để khất thực. Trong thành này có hai cô gái thuộc hai gia đình thương buôn khác nhau. Một cô xinh đẹp, với mái tóc dài kiều diễm, nhưng cha mẹ chết sớm nên phải sống trong cảnh nghèo khổ. Cô gái kia sanh trưởng trong gia đình giàu có nhưng lại mắc một chứng bệnh lạ khiến tóc rụng sạch. Đã bao lần cô gái giàu năn nỉ cô gái nghèo bán mái tóc cho mình để làm một mái tóc giả, nhưng cô gái nghèo luôn từ chối.

Hôm đó, khi cô gái nghèo trông thấy ngài Kaccāna đi khất thực cùng chư tăng, bát còn trống không, trong cô bỗng dâng lên một đức tin cực kỳ mãnh liệt muốn được cúng dường thực phẩm đến chư tăng. Thế nhưng cô không có đồng nào trong tay để mua vật thực, chỉ có cách duy nhất là cắt và bán đi mái tóc của mình. Lần này, khi mái tóc đẹp đã vào tay, cô gái giàu ép giá chỉ trả tám đồng xu. Với số tiền này, cô gái nghèo mua cho tám vị sa môn mỗi vị một xu thực phẩm. Khi cô vừa dâng thức ăn cho chư sư xong thì liền tức khắc, do phước báu hiện tiền của công đức cô vừa làm, mái tóc của cô lại mọc dài như cũ.

Khi Đại đức Kaccāna trở về kinh đô Ujjeni, ngài thuật lại câu chuyện trên cho Vua Caṇḍappajjota nghe. Vua bèn cho vời cô gái nghèo khổ đến cung đình và, vừa thấy nàng, vua lập tức tấn phong nàng làm hoàng hậu. Từ đó về sau, nhà vua vô cùng trọng vọng sa môn Mahākaccāna. Rồi nhiều người dân trong thành Ujjeni đến nghe ngài giảng pháp, phát sanh niềm tin vào Giáo Pháp, và xin thọ giới xuất gia với ngài. Hoàng hậu, vốn cũng đã có đức tin tuyệt đối nơi Đại đức Mahākaccāna, nên dâng cho ngài một nơi tu hành yên tĩnh trong công viên Động Vàng.

Những chi tiết về đời sống thường nhật và sinh hoạt của Đại đức Mahākaccāna trong Tăng chúng rất hiếm khi tìm được trong kinh điển cũng như các chú giải. Điểm chính yếu được ghi lại là vai trò thuyết giảng Giáo Pháp, đặc biệt là những bài luận giải chi tiết cho các lời dạy ngắn gọn của Đức Bổn Sư. Từ căn nguyên của các bài giảng giải này, ta biết được trú xứ chính của ngài sau khi thọ giới tỳ khưu là Avantī. Ngài thường sống ẩn dật nơi vắng lặng, chỉ khi nào cần hướng dẫn môn đệ pháp học hay pháp hành Đại đức mới xuất hiện. Thỉnh thoảng ngài đến trú xứ của Bổn Sư để viếng thăm hay cùng theo Thầy du hành hoằng pháp. Có ba bài kinh trong Trung Bộ Kinh kể về vai trò luận giải Giáo Pháp của Mahākaccāna, xảy ra ở ba nơi khác nhau – Kapilavatthu, Rājagaha, và Sāvatthi.

Kinh điển cũng không ghi lại liên hệ huynh đệ mật thiết giữa Mahākaccāna và các vị đại đệ tử huynh trưởng như Sāriputta, Moggallāna hay Ānanda. Mặc dù không hành trì hạnh đầu đà nghiêm ngặt ẩn cư như Mahākassapa, nhưng Mahākaccāna cũng sống tương đối tách rời khỏi Tăng chúng. Đây có lẽ do điều kiện địa lý quá cách trở xa xôi giữa Avantī và các tu viện. Tuy nhiên, ngài sẵn sàng chia sẻ, giảng dạy Giáo Pháp khi đầy đủ nhân duyên, và tên ngài luôn luôn xuất hiện trong các bài kinh với vai trò là vị biện giải làm sáng tỏ ý nghĩa lời Bổn Sư giảng dạy. Trong kinh Mahāgosiṅga, ngài cũng vắng mặt giữa các vị trưởng lão lỗi lạc, trong cuộc đàm luận về hạng tỳ khưu nào có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng sāla Gosiṅga thêm rực rỡ trong đêm trăng sáng. Nếu có thì ngài Mahākaccāna chắc đã trình bày về một vị tỳ khưu thiện xảo về luận giải chi tiết các lời dạy ngắn gọn của Đức Phật.

Chú giải Pháp Cú Kinh có ghi lại một câu chuyện về sự tôn kính mà hàng chư thiên dành cho ngài Mahākaccāna. Một lần nọ Đức Thế Tôn lưu trú tại Đông Viên ở Sāvatthi. Trong Giảng đường của Mẹ Migāra, Đức Tôn Sư ngồi giữa các vị đại đệ tử của Ngài, chuẩn bị lễ Tự tứ (pavāraṇā) cho chư tăng. Được cử hành sau ba tháng an cư mùa mưa, lễ Tự tứ là ngày các tỳ khưu thỉnh cầu đại chúng chư tăng chỉ lỗi lầm đã phạm của mình để sám hối và sửa đổi. Đây là một trong những dịp định kỳ hằng năm mà Mahākaccāna thường đến viếng Bổn Sư để được nghe Thầy thuyết pháp, dù phải du hành từ một nơi rất xa để về bên Thầy và chư huynh đệ sa môn. Các vị trưởng lão tăng khác luôn luôn dành sẵn một chỗ ngồi cho ngài Mahākaccāna.

Trong lần lễ Tự tứ này, vua trời Sakka cùng thiên chúng tùy tùng đến đảnh lễ Đức Phật. Không thấy ngài Mahākaccāna, Sakka suy nghĩ: “Thật là một phước lành nếu Trưởng lão đến đây.” Ngay lúc đó, Trưởng lão xuất hiện và tiến về chỗ ngồi các thánh hữu đã dành sẵn cho ngài. Khi trông thấy vị trưởng lão, Sakka hân hoan vui mừng quỳ xuống ôm lấy đôi cổ chân ngài, và tôn vinh cúng dường ngài bằng hương hoa của cõi trời. Một vài vị phàm tăng non tuổi hạ tỏ vẻ bất bình và than phiền là Sakka thiên vị trong sự tôn kính. Đức Phật khiển trách họ rằng:

Này các tỳ khưu, những vị sa môn, như Mahākaccāna con trai của Như Lai, luôn thu thúc nhiếp phục các căn, nên được cả chư thiên và loài người yêu kính.

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ được ghi lại trong Pháp Cú Kinh sau:

Ai nhiếp phục các căn
Như ngựa luyện thuần thục,
Ngã mạn đã diệt trừ,
Cấu uế đã giải thoát,
Được chư thiên kính mến.
(Dhp. 94)

Chi tiết về thời gian và hoàn cảnh ngài Mahākaccāna nhập diệt không được ghi trong kinh điển. Nhưng vào đoạn cuối Madhura Sutta, ngài có tuyên bố là Đức Phật đã nhập Parinibbāna. Điều này chứng tỏ là ngài qua đời sau Bổn Sư.

-ooOoo-

Phần 1      |      Phần 3      |      Phần 4      |      Phần 5      

——————————————–

Xem thêm:

Cuộc đời Đức Đại Ca Diếp
– Cuộc đời Đức Xá Lợi Phất
– Cuộc đời Đức Mục Kiền Liên
– Cuộc đời Đức A Nan Đà
– Cuộc đời Đức A Nậu Lâu Đà