Tại sao kẻ xấu lại sống ung dung, còn người hiền lành thì lại chịu nhiều thiệt thòi, chất chồng đau khổ? Tại sao? Và tại sao?

phat-phap-van-dap-39-nguoi-tot-vi-sao-van-kho
Người tốt… vì sao vẫn khổ

Câu hỏi nghe tưởng đơn giản mà chất chứa bi kịch lặng thầm của muôn triệu sinh linh. Có phải cuộc đời bất công? Có phải Trời Phật ngoảnh mặt quay lưng? Hay là… chính ta đã hiểu sai về điều gọi là thiện – ác, khổ – vui?

Để sáng tỏ, câu chuyện sau sẽ giúp mở toang cánh cửa của chính mình. Quý vị hãy tịnh tâm thọ Pháp!


Có người từng hỏi 1 vị Thiền sư, mắt ngấn lệ: “Con sống lương thiện cả đời… mà sao khổ đau cứ mãi đeo bám?”

Thiền sư nhìn họ rất lâu rồi lặng lẽ mỉm cười, vì ông biết đó không phải là câu hỏi của riêng ai mà là tiếng gọi từ sâu thẳm trong mỗi tâm hồn đang khao khát một lẽ công bằng. Thế nhưng, Pháp giới vốn chẳng vận hành theo những gì ta mong cầu. Pháp giới vận hành theo nhân duyên và nghiệp lực. Khi tâm một người bắt đầu chất chứa câu hỏi ấy là lúc họ đang đứng trước ngưỡng cửa tỉnh thức, nhưng muốn vượt qua cánh cửa đó, họ phải có chìa khóa của trí tuệ, và ngọn đuốc của hiểu biết về nghiệp và vô thường. Thiền sư đáp:

“Nhiều người trong cuộc đời này chọn điều thiện, chọn sống lương tâm, chọn làm điều đúng… và rồi họ vấp phải tai ương, bị phản bội, chịu thiệt thòi giữa thế gian đầy tham – sân – si. Họ oán Trời, trách người… rồi cuối cùng quay về oán chính mình: “Có phải làm người tốt là sai rồi chăng?”

Không! Làm người tốt không sai! Nhưng nếu chỉ làm người tốt mà không có trí tuệ thì cũng như chiếc thuyền không bánh lái… sẽ dễ bị cuốn trôi giữa giông tố cuộc đời.”

Câu chuyện tiếp theo trong Kinh Tạp Bộ (Saṁyutta Nikāya) – chuyện về “Người mù và Ngọn đèn” – sẽ giúp ta thấy rõ hơn bản chất của khổ đau và những điều bất như ý xảy ra với người thiện lành. 

Thuở xưa, có một người mù bẩm sinh. Dù không thấy gì, ông vẫn sống rất thiện lương – không trộm cắp, không nói dối, luôn giúp đỡ người xung quanh bằng những gì mình có thể.

Một hôm, có vị Đạo sĩ nhìn thấy ông, thương xót và trao cho ông một cây đèn đang cháy, rồi bảo: “Dù ông không thấy ánh sáng, nhưng cây đèn này sẽ giúp người khác thấy ông mà tránh đường, để ông đi lại an toàn. Đó là việc lành!”

Người mù cảm động vô cùng, ôm cây đèn và đi giữa đêm tối. Nhưng không lâu sau, có người đi đường va mạnh vào ông, làm ông ngã xuống. Ông ngạc nhiên hỏi: “Sao anh không thấy đèn tôi cầm mà tránh đường?”

Người kia đáp: “Đèn của ông đã tắt từ lúc nào rồi, ông không hay.”

Người mù sững sờ! Ông đã đi trong bóng tối, tưởng mình đang soi sáng cho người khác mà chẳng hay ngọn đèn ấy… đã tắt từ lâu!

Người mù ấy chính là những người sống thiện lành nhưng vẫn gặp khổ nạn. Không phải vì họ không tốt mà vì ngọn đèn trí tuệ và chánh niệm chưa được thắp sáng. Họ đi giữa cuộc đời, tin rằng mình đang làm đúng nhưng thật ra, như người đi đêm cầm đèn đã tắt, ngọn đèn đã tắt tự bao giờ, vì

– không hành trì Chánh Pháp Phật,
– không thấy tâm mình vọng động,
– không soi xét thân – khẩu – ý của mình,
– không thấy nghiệp mình gieo tạo,
– không thấy sự vận hành của nhân quả vi tế.

Do đó, giúp một người tránh được khổ đau không chỉ là lòng tốt mà là trí tuệ và chánh niệm, là giữ cho tâm đèn không bao giờ tắt.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là chỗ nương tựa.”

Dù ta sống thiện trong đời này, nhưng nếu nghiệp xưa chưa trả hết thì quả khổ vẫn trổ, vì đó là sự vận hành tất yếu của Luật Nhân – Quả. Thực tế, ta từng thấy có người dốc lòng làm thiện suốt 10 năm, nhưng rồi mất hết chỉ trong một tai nạn. Họ đau khổ, phẫn uất… nhưng, nếu nhìn sâu hơn, đó chính là nghiệp nặng được trả nhanh nhờ vào phước thiện hiện tại. Nếu không tu, nghiệp ấy phải trả bằng nhiều đời trôi lăn trong thống khổ luân hồi bất tận.

Do đó, khổ không phải là án phạt mà là chiếc gương phản chiếu nghiệp xưa; khổ không phải là kẻ thù mà là bậc Thầy dạy ta tỉnh thức. Vì nếu không khổ, ta sẽ không dừng lại để trầm tư nhìn sâu vào chính mình, thấy rõ vô thường, thấy rõ vòng xoay sanh tử. Không khổ, ta sẽ không biết đến Phật Pháp. Không khổ, ta sẽ không phát tâm Bồ Đề rộng lớn cứu độ chúng sanh. Không khổ, không trải qua oan khiên, ta không thể thành tựu được đức Nhẫn và tâm Từ.

Khổ đau – nếu được tiếp nhận bằng tâm trí tuệ – sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để hạt giống giác ngộ và giải thoát nảy mầm. Chỉ khi nào ta sống bằng Chánh tâm (Từ – Bi – Hỷ – Xả), hành bằng Chánh Pháp, tu bằng sự tỉnh giác trang nghiêm, gìn giữ thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật (Giới – Định – Huệ) thì lúc đó, ta mới thật sự giải được khổ mà thôi.

Giữa cuộc đời đầy biến động thời nay, người thiện lương dễ bị tổn thương. Nhưng nếu biết giữ gìn ngọn đèn Chánh niệm, giữ lòng Từ – Bi – Hỷ – Xả trong mọi tình huống thì dù gió đời có thổi đến đâu, ngọn tâm đăng ấy sẽ không bao giờ tắt.

Người tu không nên mong cầu hết khổ mà nên trí tuệ thấy rõ khổ là gì, nguyên nhân của khổ, và con đường thoát khổ, đạt giác ngộ và giải thoát viên mãn (Tứ Diệu Đế). Người tu không nên mong cầu danh, lợi, quyền uy trong Đạo mà nên trì tâm thanh tịnh, hành hạnh vô ngã và lòng bi mẫn với muôn loài, muôn vạn chúng sanh.

Vì thế, đừng chạy trốn khổ đau! Hãy đối diện với nó bằng một trái tim giác ngộ, vì mỗi đau thương đi qua là một bước gần hơn tới giải thoát tối hậu.

Nếu hôm nay Quý vị đang khổ, đừng hỏi: “Vì sao tôi khổ trong khi tôi là người tốt?”. Hãy hỏi:

– Khổ này đến để dạy tôi điều gì?
– Tôi đã thật sự hiểu về Nhân – Quả chưa?
– Tôi có đang hành trì đúng Chánh Pháp Phật không?
– Tôi có đang thắp sáng đèn trí tuệ của chính mình không?
– Tôi có đang gieo những nhân lành cho hiện tại và mai sau chưa?

* Tóm lại

Khổ là cửa ngõ để mở ra chơn lý. Duy chỉ có ánh sáng Phật Pháp và trang nghiêm tu hành chơn chánh mới dẫn chúng sanh thoát khỏi vĩnh viễn vô minh khổ đau. 

Người biết sống với khổ, không oán trách, không than vãn mà chỉ lặng lẽ tinh tấn tu sửa thân tâm. Ấy chính là người đang tiến từng bước gần hơn đến giác ngộ.

Hãy sống như một ngọn đèn – cháy lên giữa màn đêm vô minh!
Và hãy nhớ: Tu Phật là để độ đời trầm luân!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Diệu A Di Đà Phật

Chúng đệ tử

—————————————

Xem thêm: