CẨM NANG TU ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
KHAI THỊ NGỘ NHẬP
– Tự mình sanh phiền não, tự mình phải giải mở. Hãy đem lời Sư-Phụ khai thị ra áp dụng.
– Sư-Phụ khai thị nhiều như vậy, giờ đây xem bạn thọ trì ra sao.
– Kẻ biết nghe, khai thị mới có ích. Kẻ không biết nghe, khai thị cũng vô dụng.
– Nghe giảng khai thị, không luận là nghe nhiều hay nghe ít, mà là coi xem nghe vào hay không vào (tâm). Nghe vào tâm rồi thì phải biết áp dụng.
– Bạn nghe lời khai thị của Sư-Phụ hay quá. Song, hay là Sư-Phụ hay (chứ không phải bạn hay), vẫn phải cần bạn đem thực hành.
– Các bạn lạy tôi làm Thầy; tôi dạy các bạn Phật Pháp. Khi tôi không còn ở đời, các bạn phải theo thứ Pháp này mà tu hành thì Ðạo-tâm mới kiên cố, con đường xuất gia mới viên mãn.
– Khi học Phật Pháp, bạn nghe Sư-Phụ khai thị cho một câu thì tự mình phải làm sao giác ngộ, lãnh hội được câu ấy. Không phải cần nhiều lời. Khi lời nhiều thì các bạn vẫn còn bị xoay chuyển.
– Hỏi: Sau khi Sư-Phụ viên tịch, nếu chúng con tưởng nhớ Sư-Phụ thì phải làm sao?
Một thầy (Thầy Truyền Vân) phát biểu: “Chính Phật-tánh của Sư-Phụ nói Pháp, khai thị cho chúng ta; chứ không phải là cái thân giả hợp của Ngài. Có nhớ tưởng tới Ngài thì mình hãy phát tâm dũng mãnh, tinh tấn tu hành!”
– Lời tôi giảng là nhắm thẳng vào các bạn. Ðừng nghĩ rằng tôi nói lỗi xấu của riêng bạn hay của người nào đó, rồi sinh ra phiền não, bực bội.
Nếu bạn có lỗi thì hãy tự thừa nhận, sám hối, phản tỉnh, sửa đổi tánh nết, hành vi.
Cứ thường chấp trước thì dễ sinh phiền não. Bạn có phiền não, rồi lại ảnh hưởng, làm kẻ khác cũng bực bội, rồi cả đại chúng đều sinh loạn. Thế thì làm sao “thống lý đại chúng”, làm cho mọi người hoà hợp? Phải sửa mình, tề gia trước, rồi sau mới trị quốc, sửa người được.
– Kẻ có tánh thẳng thắn thì tuy lời nói không êm tai, không dễ nghe cho lắm, song bạn chớ cho là lời xấu ác. Có kẻ ăn nói hay ho lắm, song tâm thì không tốt gì cả. Do đó, bạn phải chú ý, phải hiểu suốt tâm lý nhân tình.
– Nhiều khi kẻ trực tâm lời nói không có ý xấu gì cả, song người nghe thì cong vạy, khúc mắc, xuyên tạc; thậm chí còn cho rằng anh ta suy nghĩ phức tạp lắm nữa!
– Ðừng nên nghe người bừa bãi. Ðừng nghe bên này, nghe bên nọ rồi không biết ai đúng, ai sai. Khi tâm bạn không tự làm chủ thì dễ thành tán loạn, dấy vọng tưởng, sinh phiền não.
– Nghe cũng phải biết cách: cần nghe Phật Pháp, chớ nghe chuyện thế tục.
Nghe Phật Pháp thì được giải thoát, không còn ngã tướng, không còn cái “tôi”. Nghe chuyện trần tục tức là có chuyện thị phi, phát sinh ra tướng ngã (có “tôi”, có “anh”; có “đúng”, có “sai”). Ðó là chủng tử xấu, về sau khó tẩy trừ.
– Lời nói đúng sự thật thì bạn mới nên nghe. Lời không đúng chân lý mà bạn nghe vào, thì có thể gieo ảnh hưởng xấu cho kẻ khác mà tự mình phải gánh chịu quả báo.
– Kẻ biết nghe thì chỉ một hai lời nói là y hiểu ngay; không cần phải kể lể rườm rà.
Khi xưa mấy thầy giảng Kinh, họ đều dành lại một phần để người nghe tự tìm hiểu và thể hội. Họ không giảng hết, cũng không kể chuyện cổ tích dài dòng.
– Kẻ có căn cơ thì bạn nói gì (Chánh Pháp) là y nghe ngay. Kẻ không có căn cơ thì khi nghe bạn nói, y liền tán dóc, lép nhép không ngừng.
– Tự mình phải giác ngộ Bản Lai Diện Mục của mình. Nghe (giảng khai thị) chỉ là cảnh giới của Lục trần mà thôi.
– Hỏi: Mỗi ngày trì Chú, lạy Phật, lại tu thêm Pháp-Hoa Tam-Muội, song tâm vẫn còn lăng xăng, tạp nhạp là vì sao?
Ðáp: Mình không tự chủ thì không xong. Chuyên tâm niệm Phật, trì Giới, lạy Phật là đủ!
Hễ công việc, sự tình càng nhiều thì bạn càng chấp trước, tâm càng không an định. Ðừng chấp trước vào cái hay cái tốt của kẻ khác. Kẻ có căn cơ thì khi nhìn điều xấu xa của người, y biết vận dụng (tránh phạm cùng lỗi) để tu tiến bộ hơn. Kẻ không có khả năng thì chỉ sinh thêm phiền não.
Muốn định tâm, rất khó. Do đó phải tìm cái tâm bất sanh bất diệt, đừng tìm những thứ sanh diệt bên ngoài. Cần tìm cái mà xưa nay Tự Tánh sẵn có. Tất cả mọi thứ nghe được, thấy được, ở bên ngoài đều không dính dấp gì tới mình (Chân-Tánh) cả.
– Hình tướng người Tỳ-Khưu là hình tướng Phật. Hễ thấy thầy Tỳ Khưu tới, bạn nên lập tức chắp tay đón chào, lễ lạy. Không cần phải phân biệt, đánh giá thầy này có tu hành, thầy kia không tu hành.
– Biết tụng niệm, gõ khánh, đánh chuông là việc rất tự nhiên; không cần để tâm học tập. Khi trí huệ khai mở thì tự nhiên bạn biết làm ngay.
– Trong Tam Giáo (Nho, Lão, Phật), thì Nho-giáo dạy đạo đức, lễ, nghĩa, trung, hiếu. Lão giáo tuy cũng dạy tu Ðạo, song không dạy Phật-lý (chân lý cứu cánh) nên không giải thoát. Cuối cùng chỉ có quy nạp về Phật-môn Tịnh-Ðộ (của Phật-giáo), nguyện vãng sanh, thì mới liễu thoát sanh tử.
– Phật-giáo và Lão-giáo (Ðạo-giáo) rất khác biệt nhau. Tu đạo Phật là vì liễu sanh tử. Tu đạo Lão là để trường sanh bất lão. Song, dù sống tới trăm ngàn tuổi vẫn không phải cứu cánh, vì không thoát được sanh tử.
Trong đạo Lão cũng có nhiều người tu rất tinh tấn, chứng được thân La-hán (như Lã-Ðông-Tân, Hán-Chung-Ly); song, thân La-Hán của họ không phải cứu cánh. Các vị La-hán bên Phật giáo thì đã đoạn được hai thứ kiến-hoặc và tư-hoặc (Kiến hoặc và Tư hoặc là hai thứ si mê của cái nhìn và của tâm tư khiến mình không thấy được Phật-tánh. Hai thứ si mê này rất thâm sâu vì được hình thành và nuôi dưỡng từ nhiều đời nhiều kiếp bởi thói quen và chủng tử ô nhiễm lầm lẫn rằng thật có cái “ta” và “vạn pháp”), siêu thoát luân hồi. Bên Ðạo-giáo, nhiều vị được thân La-hán cũng không phải chết, có khi họ sống trong núi đến hàng trăm năm.
– Chúng ta cốt yếu cần tu để giải thoát sanh tử. Do đó, mình cần phải xả thân, đừng sợ cái thân này cực khổ. Phải nhớ rằng, tu đạo Phật là tu để ba nghiệp (thân, khẩu, ý tức hành động, lời nói, ý nghĩ) được thanh tịnh, sáu căn được trong sạch, thoát khỏi cái khổ của sanh, già, bệnh, chết.
(trích Cẩm Nang Tu Đạo
Hòa Thượng Quảng Khâm)
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên