383. Này đây Bà-la-môn,
Hãy đoạn dòng tham ái,
Thấu triệt Pháp suy hoại,
Chứng đạt bậc Vô Sanh.
Dũng cảm đoạn trừ dòng ái dục, các ngươi bỏ dục mới là Bà la môn. Nếu thấy rõ các uẩn (*) diệt tận, các ngươi liền thấy được Vô tác (Niết Bàn).
——————————–
Bà la môn (Bhramana) ở đây là tiếng chỉ chung người hành đạo thanh tị nh, chớ không phải như nghĩa thông thường chỉ riêng về giai cấp đạo sĩ Bà la môn. Phẩm này Phật dạy, gọi là Bà la môn là cốt ở tư cách xứng đáng của họ, chứ không phải là tại dòng dõi, nơi sinh hay những gì hình thức bên ngoài.
(*) : Các yếu tố cấu thành sanh mạng.
384. Bà-la-môn trí tuệ,
An trụ hai pháp lành, (*)
Vượt sang bờ bên đó,
Dứt phiền não mối manh.
(*): Chỉ và Quán
Nếu thường trú trong hai pháp (*), hàng Bà la môn đạt đến bờ kia; dù có bao nhiêu ràng buộc cũng đều bị dứt sạch do trí tuệ của người kia.
——————————–
(*) : Hai pháp là chỉ và quán.
385. Không bờ kia, bờ này,
Không hai bờ đó đây (*),
Không khổ đau buộc trói,
Ta gọi Bà-la-môn.
(*): Sáu căn và sáu trần
Không bờ kia cũng không bờ này (*), cả hai bờ đều không, xa lìa khổ não (2*), không bị trói buộc; đó gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Bờ kia là chỉ sáu căn bên trong (Ajjhatikani cho Ayatanani): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bờ này là chỉ sáu trần bên ngoài (Bahirani cho ayatanani): sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không chấp trước ta và của ta, nên nói là không bờ này, bờ kia.
(2*) : Nguyên văn là: dara, cũng cò thể dịch là bố úy.
386. Ẩn cư, thiền, thanh tịnh,
Vô lậu, tu viên thành,
Ðạt đến đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.
Ai nhập vào Thiền định, an trú ly trần cấu, việc cần làm đã làm xong, phiền não lậu dứt sạch, chứng cảnh giới tối cao; đó là Bà la môn.
387. Mặt trời sáng ban ngày,
Mặt trăng sáng ban đêm,
Binh khí sáng vương tướng,
Thiền sáng Bà-la-môn;
Riêng Hào quang Đức Phật,
Rực sáng cả ngày đêm.
Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, khí giới chiếu sáng dòng vua chúa, Thiền định chiếu sáng kẻ tu hành, nhưng Hào quang Đức Phật chiếu sáng cả ngày đêm.
388. Dứt ác gọi Phạm Chí,
An tịnh gọi Sa môn,
Trừ sạch mọi cấu uế,
Gọi Ẩn sĩ tu hành. (*)
(*): Bậc xuất gia
Người dứt bỏ ác nghiệp gọi là Bà la môn; người hành vi thanh tịnh gọi là Sa môn; người tự trừ bỏ cấu uế, gọi là người xuất gia.
389. Chớ đánh đập Phạm Chí,
Phạm Chí chớ hận sân,
Xấu thay đánh Phạm Chí,
Sân hận càng xấu hơn.
Chớ đánh đập Bà la môn! Bà la môn chớ sân hận! Người đánh đập mang điều đáng hổ, người sân hận lại càng đáng hổ hơn.
390. Ðối với Bà là môn,
Ðiều này lợi không nhỏ,
Tâm yêu thương từ bỏ,
Ý độc hại dứt ngay,
Ðiều phục được thế này,
Khổ đau hẳn đoạn tuyệt.
Bà la môn, đây không phải là điều ích nhỏ. Nếu biết vui mừng chế phục tâm mình, tùy lúc đoạn trừ tâm độc hại thì thống khổ được ngăn chận liền.
391. Người không tạo ác hạnh,
Bằng chính thân – khẩu – ý,
Ba nghiệp được chế chỉ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Không dùng thân, ngữ, ý tạo tác nghiệp ác, chế ngự được ba chổ đó, đó gọi là Bà la môn.
392. Nhờ ai ta hiểu Pháp,
Bậc Chánh Giác thuyết minh,
Vị ấy ta tôn vinh,
Như Phạm Chí thờ lửa.
Bất luận nơi đâu được nghe đấng Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết Pháp, hãy đem hết lòng cung kính như Bà la môn (*) kính thờ lửa.
——————————–
(*) : Ở đây chỉ giáo đồ Bà la môn.
393. Ðược mệnh danh Phạm Chí,
Ðâu phải đầu bện tóc,
Ðâu phải vì gia tộc,
Ðâu phải gốc thọ sanh,
Người chánh, tịnh, chân thành,
Thật xứng danh Phạm Chí.
Chẳng phải vì bện tóc, chẳng phải vì chủng tộc, cũng chẳng phải tại nơi sanh mà gọi là Bà la môn; nhưng ai hiểu biết chân thật (*), thông đạt Chánh pháp, đó là kẻ Bà la môn hạnh phúc (2*).
——————————–
(*) : chỉ Tứ Đế.
(2*) : Hạnh phúc (sukhí) bổn của Tích Lan viết là Suci, nên dịch thanh tịnh.
394. Ơ kìa kẻ ngu si!
Thắt tóc bím ích chi?
Khoác da nai ích gì?
Trong chứa đầy tham dục,
Ngoài trang điểm dung nghi!
Người ngu bện tóc và mặc áo da (*) đâu có ích chi? Trong lòng còn chứa đầy tham dục, thì dung nghi bên ngoài chỉ là trang điểm suông.
——————————–
(*) : Một số ngoại đạo Ấn Độ hay dùng da nai làm đồ trải ngồi và áo mặc.
395. Người đắp y chắp vá,
Gầy ốm gân lộ ra,
Thiền định giữa rừng già,
Bà-la-môn Ta gọi.
Ai mặc áo phấn tảo (*), gầy ốm lộ gân xương, ở rừng sâu tu định; đó gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Áo phấn tảo (Pansukula civara), là thứ vải rẻo người ta vứt, người xuất gia lượm lấy giặt sạch chắp lại may áo cà sa mà mặc.
396. Không gọi Bà-la-môn,
Vì thai sanh, mẹ sanh,
Chỉ gọi đúng tánh danh,
Nếu tâm còn điên đảo,
Không chấp thủ, phiền não,
Ta gọi Bà-la-môn.
Gọi là Bà la môn, không phải từ bụng mẹ đẻ ra. Nếu cứ chấp chặt các phiền não thì chỉ được gọi là ”Bồ” suông (*). Người nào lìa hết chấp trước, đó gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Nguyên văn là Bhovadi, tức là Bho-vadi, dịch là “thuyết bồ”. Đây là tiếng tôn xưng nhau của giáo đồ Bà la môn dùng riêng với nhau trong khi nói chuyện.
397. Ðoạn hết mọi kiết sử,
Không khiếp sợ kinh hồn,
Vượt xiềng xích, đắm trước.
Ta gọi Bà-la-môn.
Ai đoạn hết kiết sử, người đó thật không còn sợ hãi. Không bị đắm trước, xa lìa ràng buộc; đó gọi là Bà la môn.
398. Cắt dây cương (1), đai da (2),
Dứt dây (3), đồ phụ xa (4),
Bỏ trục ngang (5), giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.
(1) Ái dục; (2) Sân hận;
(3) Tà kiến; (4) Tùy miên;
(5) Vô minh
Như ngựa bỏ đai da, bỏ cương, bỏ dây và đồ sở thuộc, người giác trí bỏ tất cả chướng ngại, đó gọi là Bà la môn (*).
——————————–
(*) : Bài này toàn dùng những đồ để khớp ngựa mà ví dụ: Đai da dụ lòng sân nhuế, cương dụ ái dục, dây dụ 62 tà kiến, sở thuộc (dây buộc ngựa) dụ những tập tánh tiềm tàng (anusaysg xưa dịch là “Tùy miên”, có 7 thứ: dục, tham, sân, mạn, ác kiến, nghi, vô minh). Chướng ngại dụ vô minh.
399. Ai chịu đựng không sân,
Trước hủy báng, áp bức,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn.
Nhẫn nhục khi bị đánh mắng không sinh lòng sân hận, người có đội quân nhẫn nhục hùng cường, đó gọi là Bà la môn.
400. Giữ giới đức, ly ái,
Tròn bổn phận không sân,
Lần cuối tự điều thân,
Bà-la-môn Ta gọi.
Người đầy đủ đức hạnh không nóng giận, trì giới không dục nhiễm, chế ngự và đạt được thân cuối cùng, người như thế, Ta gọi là Bà la môn.
401. Như nước trên lá sen,
Ðầu kim hạt cải mèn,
Dục lạc không vướng mắc,
Ta gọi Bà-la-môn.
Như nước giọt lá sen, như hột cải đặt đầu mũi kim, người không đắm nhiễm ái dục cũng như thế, Ta gọi họ là Bà la môn.
402. Ai tại thế gian này,
Chứng đắc sự diệt khổ,
Bỏ gánh nặng, siêu độ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Nếu ngay tại thế gian này, ai tự giác ngộ và diệt trừ đau khổ, trút bỏ gánh nặng mà giải thoát, Ta gọi họ là Bà la môn.
403. Người trí tuệ sâu xa,
Quán triệt đường Chánh – Tà,
Ðạt đến đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.
Người có trí tuệ sâu xa, biết rõ thế nào là đạo, phi đạo và chứng đến cảnh giới vô thượng, đó gọi là Bà la môn.
404. Chẳng quan tâm thân thiện,
Hàng thế tục, xuất gia,
Sống vô dục, không nhà,
Ta gọi Bà-la-môn.
Chẳng lẫn lộn với tục luân, chẳng tạp xen với Tăng lữ, xuất gia lìa ái dục, đó gọi là Bà la môn.
405. Không đánh đập chúng sanh,
Mạnh khỏe hay yếu đuối,
Không sát hại tàn rụi,
Ta gọi Bà-la-môn.
Bỏ hết đao trượng, không tự mình giết, không bảo người khác giết đối với tất cả hữu tình mạnh yếu; người như thế Ta gọi là Bà la môn.
406. Ôn hòa giữa bạo động,
Thân thiện giữa địch thù,
Buông xả giữa chấp thủ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Ở giữa đám người cừu địch mà gây tình hữu nghị, ở giữa đám người hung hăng cầm gậy mà giữ khí ôn hòa, ở giữa đám người chấp đắm mà không chấp đắm, người như thế Ta gọi là Bà la môn.
407. Vất tham dục, sân hận,
Bỏ kiêu mạn, tị hiềm,
Như hạt cải đầu kim,
Bà-la-môn Ta gọi.
Từ lòng tham dục, sân nhuế, kiêu mạn, cho đến lòng hư ngụy, đều thoát bỏ như hột cải không dính đầu mũi kim, người như thế Ta gọi là Bà la môn.
408. Người nói lời chân thật,
Ích lợi và từ hòa,
Không xúc phạm ai cả,
Ta gọi Bà-la-môn.
Chỉ nói lời chân thật hữu ích, không nói lời thô ác, không xúc phạm đến người, đó gọi là Bà la môn.
409. Vật ngắn, dài, lớn nhỏ,
Ðẹp, xấu có trên đời,
Không cho, không động tới,
Ta gọi Bà-la-môn.
Đối với vật gì xấu hay tốt, dài hay ngắn, thô hay tế, mà người ta không cho thì không lấy, đó gọi là Bà la môn.
410. Cả đời nay, đời sau,
Không vọng cầu thôi thúc,
Giải thoát hết tham dục,
Ta gọi Bà-la-môn.
Đối với đời này cũng như đời khác, không móng lòng dục vọng, vô dục nên giải thoát, đó gọi là Bà la môn.
411. Không mong cầu, nghi hoặc,
Nhờ trí tuệ viên minh,
Ðạt bất tử Vô Sanh,
Bà-la-môn ta gọi.
Người không còn tham dục, liễu ngộ không nghi hoặc, chứng đến bậc vô sanh, đó gọi là Bà la môn.
412. Người siêu việt thiện ác,
Dứt phiền não buộc ràng,
Thanh tịnh sống thênh thang,
Bà-la-môn Ta gọi.
Nếu ở thế gian này không chấp trước thiện và ác, thanh tịnh không ưu lo, đó gọi là Bà la môn.
413. Như mặt trăng lồng lộng,
Không dao động, sáng, trong,
Người diệt ái hữu xong,
Bà-la-môn Ta gọi.
Cái ái dục làm tái sanh đã được đoạn tận, như trăng trong không bợn, đứng lặng mà sáng ngời, đó gọi là Bà la môn.
414. Vượt sình lầy đường hiểm,
Thoát sanh tử, si mê,
Thiền định, sang bờ kia,
Ðoạn nghi, diệt trừ ái,
Chứng Niết Bàn, vô ngại,
Ta gọi Bà-la-môn.
Vượt khỏi đường gồ ghề, lầy lội (*), ra khỏi biển luân hồi ngu si mà lên đến bờ kia, an trú trong Thiền định, không nghi hoặc, không chấp đắm, chứng Niết Bàn tịch tịnh, người như thế Ta gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Chỉ các phiền não tham dục.
415. Từ bỏ mọi dục lạc,
Xuất gia làm Sa môn,
Ðoạn diệt sạch dục, hữu,
Ta gọi Bà-la-môn.
Xả bỏ dục lạc ngay tại đời này mà xuất gia làm Sa môn không nhà, không cho dục lạc phát sinh lại, người như thế Ta gọi là Bà la môn.
416. Từ bỏ mọi tham ái,
Xuất gia làm Sa môn,
Ðoạn diệt sạch ái, hữu,
Ta gọi Bà-la-môn.
Xả bỏ ái dục ngay tại đời này mà xuất gia làm Sa môn không nhà, không cho ái dục phát sinh lại, người như thế Ta gọi là Bà la môn.
417. Bỏ trói buộc nhân gian,
Dứt buộc ràng thiên thượng,
Vượt thoát mọi lụy vướng,
Ta gọi Bà-la-môn.
Lìa khỏi trói buộc của nhân gian, vượt khỏi trói buộc ở thiên thượng, hết thảy trói buộc đều lìa sạch, đó gọi là Bà la môn.
418. Từ bỏ niệm ưa ghét,
Thanh lương, không nhiễm ô,
Quyết nhiếp phục thế giới,
Ta gọi Bà-la-môn.
Xả bỏ điều ưa ghét, thanh lương không phiền não, dũng mãnh hơn thế gian (*), đó gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Khắc phục ngũ uẩn không cho tái sanh.
419. Lẽ sanh tử chúng sanh,
Hiểu rõ, không chấp trước,
Tự giác ngộ, siêu vượt,
Ta gọi Bà-la-môn.
Nếu biết tất cả loài hữu tình tử thế nào, sinh thế nào, không chấp trước, khéo vượt qua, đó gọi là Bà la môn.
420. Trời, Người, Càn-thát-bà,
Không nhận ra số kiếp,
Bậc La Hán lậu diệt,
Ta gọi Bà-la-môn.
Dù Chư Thiên, Càn Thát Bà hay nhân loại, không ai biết được nơi chốn của vị A La Hán đã dứt sạch phiền não; vị ấy Ta gọi là Bà la môn.
421. Ai quá – hiện – vị lai,
Ngũ uẩn không bám trụ,
Không cưu mang, chấp thủ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Quá khứ vị lai hay hiện tại, người kia chẳng có một vật chi, người không chấp thủ một vật chi ấy gọi là Bà la môn.
422. Bậc cao thượng, vô úy,
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc điều phục, vô tham,
Bậc thanh tẩy, giác trí,
Tất cả các bậc ấy,
Ta gọi Bà-la-môn.
Hạng người dũng mãnh, tôn quí như trâu chúa (*), hạng người thắng lợi (2*), vô dục như đại tiên, hạng người tẩy sạch (3*), không nhiễm và giác tỉnh, hạng người như thế Ta gọi là Bà la môn.
——————————–
(*) : Nguyên văn là Usabaha, dịch là trâu nái hay trâu chúa. Ở đây hàm chỉ sự thù thắng, là chỉ người hùng mạnh, vô úy, siêu quần.
(2*) : Thắng phục phiền não ma, uẩn ma và tử ma, gọi là người thắng lợi.
(3*) : Người Ấn Độ mê tín nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi, nhưng ở đây lại ý nói không còn các cấu nhiễm trong tâm người Bà la môn.
423. Ai biết được kiếp trước,
Thấy Thiên giới ngục tù,
Ðoạn sanh tử luân hồi,
Viên thành Vô thượng trí,
Thành tựu bậc Đạo sĩ,
Ta gọi Bà-la-môn.
Vị Mâu Ni (thanh tịnh) hay biết đời trước, thấy cả cõi Thiên và cõi khổ (ác thú), đã trừ diệt tái sinh, thiện nghiệp hoàn toàn, thành Bậc Vô Thượng Trí; Bậc viên mãn thành tựu mọi điều như thế, Ta gọi là Bà la môn.
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú