kinh-phap-cu-pham-voi-rung
Thư pháp Đăng Học

 

320. Như Voi giữa chiến địa,
Kháng cự mọi cung tên,
Ta chịu đựng hủy báng,
Phá giới biết bao người.

Như voi xuất trận hứng chịu cung tên, ta nhẫn chịu mọi điều phỉ báng, bởi đời lắm người phá giới (thường ghét kẻ tu hành).


 

321. Kẻ luyện Voi dự hội,
Người luyện Ngựa dâng Vua,
Bậc tôi luyện thượng thừa,
Chịu đựng mọi hủy báng.

Luyện được voi để đem dự hội, luyện được voi để cho vua cỡi là giỏi, nhưng nếu luyện được lòng ẩn nhẫn trước sự chê bai, mới là người có tài điêu luyện hơn cả mọi người.


 

322. Quý thay Lừa thuần thục,
Quý thay giống Ngựa Sindh.
Quý thay Voi ngà báu,
Tuyệt thay Bậc luyện mình.

Con La (*) thuần tánh là con vật lành tốt, con tuấn mã Tín độ (2*) là con vật lành, con voi lớn Kiều la (3*) cũng là con vật lành, nhưng kẻ đã tự điều luyện được mình lại càng lành hơn (4*).

———————————–

(*) : Lừa và Ngựa giao hợp với nhau sinh ra con gọi là La.

(2*) : Tín độ (Sidha) là con sông Aán Độ. Giống ngựa Tuấn sinh ở địa phương này.

(3*) : Kiều la (Kunjara) tên voi.

(4*) : Ý nói người chưa điêu luyện thì tánh hung hăng hơn cả voi ngựa, nhưng khi tu luyện được rồi thì quí hơn nhiều. 


 

323. Chẳng phải nhờ Voi, Ngựa,
Ðưa ta đến Niết Bàn,
Chính Bậc tự điều phục,
Ðạt đến bờ thênh thang.

Chẳng phải nhờ xe hay ngựa mà đến được cảnh giới Niết bàn, chỉ có người khéo điều luyện mình mới đến được Niết Bàn.


 

324. Voi kia tên Tài Hộ,
Phát dục tiết mùi hăng,
Bất trị bị giam giữ,
Bỏ ăn, nhớ rừng xanh.

Con voi Tài hộ Dhamapalako (*) (hộ vệ tài sản) đến kỳ phát dục thì lung lăng khó trị, buộc trói thì bỏ ăn mà chỉ nhớ nghĩ rừng voi (2*).

———————————–

(*) : Voi đến kỳ phát dục thường tiết ra một thứ nước thối tha và tính tình hung hăng khó trị.

(2*) : Cổ tích kể voi có lòng nhớ mẹ nó là có ý để khuyên người ta hãy hiếu thuận cha mẹ.
 


 

325. Kẻ ngu si ám độn,
Ham ăn ngủ như heo,
Bạ đâu nằm lăn đó,
Luân hồi mãi cuốn theo.

Như heo kia ưa ngủ lại tham ăn, kẻ phàm ngu vì tham ăn ưa ngủ, nên phải bị tiếp tục vào bào thai.


 

326. Xưa tâm này phóng đãng,
Theo dục lạc đua đòi,
Nay chuyên tâm nhiếp phục,
Như Quản trượng điều Voi.

Trong những thời quá khứ, tâm Ta (*) thường chạy theo dục lạc, tham ái, ưa nhàn du, nhưng nay Ta đã điều phục tâm như người quản tượng lấy móc câu chế ngự con voi luông tuồng.

———————————–

(*) : Phật tự xưng.


 

327. Hãy tinh cần, vui vẻ,
Khéo giữ tâm ý Thầy,
Tự thoát khỏi Ác đạo,
Như Voi vượt sình lầy.

Hãy vui vẻ siêng năng, phòng hộ, tự cứu khỏi nguy nan, như voi cố gắng vượt khỏi chốn sa lầy.


 

328. Nếu gặp bạn sáng suốt,
Cẩn trọng sống hiền lương,
Hàng phục mọi nguy biến,
Hoan hỷ kết bạn đường.

Nếu gặp bạn đồng hành hiền lương, giàu trí lự, hàng phục được gian nguy; hãy vui mừng mà đi cùng họ.


 

329. Nếu không gặp bạn trí,
Cẩn trọng, sống hiền lành,
Nên như Vua từ bỏ,
Vương quốc bị xâm lăng,
Hãy sống đời đơn độc,
Như Voi giữa rừng xanh.

Nếu không gặp bạn đồng hành hiền lương, giàu trí lự, hãy sống một mình, như vua tránh nước loạn, như voi sống ở rừng.


 

330. Thà sống cảnh cô đơn,
Hơn bạn bè kẻ ngốc,
Sống lẻ loi đơn độc,
Không gây nghiệp ác hành,
Như Voi giữa rừng xanh,
Thênh thang vô tư lự.

Thà ở một mình hơn cùng người ngu kết bạn. Ở một mình khỏi điều ác dục, như voi một mình thênh thang giữa rừng sâu.


 

331. Vui thay được bạn giúp!
Vui thay sống tri túc!
Vui thay chết phước duyên!
Vui thay hết khổ nhục!

Gặp bạn xa lâu ngày là vui, sung túc phải lúc là vui, mệnh chung có được thiện nghiệp là vui, lìa hết thống khổ là vui.


 

332. Vui thay hầu Mẹ sanh!
Vui thay hầu Cha lành!
Vui thay hầu Hiền thánh!
Vui thay hầu Sa môn!

Ở đời được kính dưỡng mẹ hiền là vui, kính dưỡng thân phụ là vui, kính dưỡng Sa môn là vui, kính dưỡng Thánh nhơn là vui.


 

333. Vui thay già đức hạnh!
Vui thay tâm tín thành!
Vui thay ác không tạo!
Vui thay tuệ viên thành!

Già vẫn giữ giới là vui, thành tựu chánh tín là vui, đầy đủ trí tuệ là vui, không làm điều ác là vui.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú