KINH PHÁP CÚ

1. PHẨM SONG YẾU

Pháp Cú 02

(02) Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.

————————————–

Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.

(Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ)

phap-cu-02
Ảnh: sưu tầm

Do Phật dạy tại thành Xá-vệ, từ câu chuyện Matthakunddali.

Tôi nghe như vầy: Tại Xá-vệ có một Bà-la-môn tên là Adinnapubbaka, có nghĩa là “không cho”, vì ông ta không hề cho ai vật gì. Ông có một đứa con trai duy nhất hết sức cưng quí. Ông muốn cho con một món đồ trang sức, nhưng biết rằng hễ giao thợ bạc chạm trổ thì phải trả tiền công, nên ông tự tay đập mỏng miếng vàng, gò thành một đôi hoa tai sáng bóng đeo cho con. Do đây mà con ông có tên là Matthakundali, nghĩa là Hoa Tai Sáng Bóng.

Lên mười sáu tuổi, con ông bị bệnh vàng da. Bà mẹ trông thấy nóng ruột, hối ông mời thầy thuốc đến chữa bệnh. Tuy thương con ông vẫn lừng khừng, không muốn đi, nên tìm cách thối thác với bà vợ:

– Bà à! Nếu gọi thầy thuốc đến, tôi phải trả công bằng lúa gạo, kho lẫm sẽ hao hụt. Bà sao không để ý đến việc bảo quản tài sản cho tôi chút nào!

Bà mẹ vẫn một mực lo lắng cho con:

– Vậy thì phải làm sao? Ông phải tính sao cho con tôi chớ?

– Yên chí! Tôi sẽ sắp xếp sao cho chẳng tốn xu nào.

Thế là ông đi đến từng thầy thuốc, tìm cách hỏi đon hỏi ren cho ra phương thuốc trị bệnh cho con ông:

– Này ông anh, nếu gặp một người bị bệnh như vầy.. như vầy…, thường thì ông trị liệu ra sao, cho uống thuốc gì?

Họ liền kể ra các thứ vỏ cây, tên cây, tên khác… Thế là ông đi kiếm đủ thứ vỏ cây, lá rừng… mang về sao chế thuốc cho con. Nhưng dầu làm hết cách, bệnh trạng đứa con càng ngày càng tệ. Cuối cùng hết phương cứu chữa, ông mời hẳn một thầy thuốc đến. Nhìn thấy chàng trai quá yếu, thầy thuốc khéo léo từ chối:

– Tôi đang bận một việc quan trọng, xin mời một vị khác đến chữa trị. Tôi rất tiếc.

Và ông vội vàng rời khỏi nhà.

Thấy con mình gần chết, tuy có đau buồn nhưng vẫn không quên tính keo kiệt, bo bo giữ của, ông ra lệnh mang con ra khỏi nhà, đặt nằm trên thềm, vì sợ những người đến thăm con mình sẽ dòm ngó luôn tài sản trong nhà.

Hôm ấy, từ sáng sớm, đức Thế Tôn đã xuất định Ðại Bi, và để tìm xem những ai có lập nguyện trong đời chư Phật trước, những người căn lành tròn đầy, những đạo hữu có thể xuất gia, Ngài quán sát với Phật nhãn mở rộng đến mười phương thế giới, và thấy Matthakundali đang nằm hấp hối ngoài thềm nhà. Ðấng Ðạo sư biết ngay là anh ta vừa từ trong nhà được khiêng ra đặt nằm đó, và cũng biết rằng anh ta có nhân duyên với Phật, đặt niềm tin nơi Phật, sẽ chết và sẽ tái sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, sống trong lâu đài bằng vàng, có một ngàn thiên nữ theo hầu. Bà-la-môn sẽ thiêu xác con, rồi đi quanh bãi thiêu khóc lóc. Vị trời sẽ tự ngắm mình thân cao ba dặm, được trang điểm với sáu mươi xe đầy ắp đồ trang sức, có ngàn thiên nữ vây quanh. Vị ấy thắc mắc không biết do công đức gì mà được quả báo thù thắng như thế, và rồi vị ấy biết là do tín tâm. Rồi vị ấy thấy cha mình trước đây không chịu lo thuốc thang cho mình, nay đang đi trong bãi thiêu than khóc. Vị ấy liền quyết định sẽ làm cho cha thay đổi tâm tánh.

Vị trời xúc động vì cha, sẽ hóa hình thành Matthakundali đi đến bãi thiêu, gieo mình xuống đất khóc lóc. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi:

– Người là ai?

Vị Trời sẽ trả lời:

– Là Matthakundali, con của cha.

– Con tái sinh ở đâu?

– Ở tầng trời thứ ba mươi ba. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi tiếp:

– Con làm công đức gì mà được?

– Nhờ tin Phật.

Người Bà-la-môn chưa tin hẳn, sẽ hỏi lại Thế Tôn:

– Có ai do tin Phật mà được sanh Thiên không?

Thế Tôn sẽ đáp:

– Chẳng phải có hằng trăm, hằng ngàn hay hằng trăm ngàn mà vô số người đều được.

Rồi Thế Tôn sẽ đọc một đoạn Pháp Cú. Cuối đoạn Pháp Cú sẽ có tám vạn bốn ngàn người được Pháp nhãn thanh tịnh. Matthakundali sẽ chứng quả Dự lưu, cả Bà-la-môn Adinnapubbaka cũng chứng quả ấy. Như vậy nhờ chàng trai ưu tú này mà nhiều người được Pháp nhãn thanh tịnh.

Ðức Phật biết rõ như đã kể trên, nên hôm sau vệ sinh xong, Ngài đi giữa một đoàn Tỳ-kheo vào thành Xa-vệ khất thực, và trên đường đi Phật ghé nhà người Bà-la-môn. Lúc ấy Matthakundali đang nằm quay mặt vào nhà. Phật biết anh ta không trông thấy Ngài, bèn phóng một luồng hào quang. Chàng trai ngạc nhiên không biết là ánh sáng gì, quay mặt ra định hỏi thì nhìn thấy Đức Phật, liền thưa thỉnh:

– Vì ông cha ngu xuẩn nên con không được ân huệ đến với Đức Phật tôn quí, cũng không được hầu hạ Ngài, để bát hoặc nghe pháp. Giờ đây tay con cũng không nhúc nhích được, con chẳng làm gì được nữa!.

Nói vậy rồi anh ta đặt trọn lòng tin nơi Phật. Ðức Ðạo sư hoan hỷ bảo:

– Vậy là đủ!

Và Ngài bước đi.

Khi Đức Phật xa dần khỏi tầm mắt, chàng trai tắt thở trong tín tâm. Và như vừa ngủ dậy, chàng tái sinh vào cõi trời, y như Phật đã thấy biết trước. Và khi người Bà-la-môn gặp lại chàng đứng khóc tại bãi thiêu, đã đọc kệ hỏi lý do:

Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói,
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương,
Vặn bàn tay và khóc lóc thảm thương,
Sao anh khổ giữa rừng sâu như thế?

Chàng trai đáp:

Chiếc xe ngựa quý – thân tôi
Sáng chói bằng vàng nguyên khối,
Bánh xe tìm không ra nổi,
Ðau buồn tôi sẽ chết thôi!

Người Bà-la-môn:

Bánh xe ấy bằng vàng hay bạc?
Bánh đồng hay ngọc quý kim cương?
Nói cho ta nghe thật rõ ràng,
Ta sẽ kiếm cho chàng đầy đủ.

Chàng trai lạ lùng vì thái độ của ông Bà-la-môn, lúc trước con đau thì bỏn xẻn không dám mời thầy thuốc đến chữa trị, nay thấy mình giống con ông ấy thì không ngại tốn kém, hứa kiếm bánh xe cho mình dù bằng vàng, kim cương hay bạc đồng; do đó vì muốn trên chọc ông ta, anh hỏi:

– Cặp bánh ông làm cho xe tôi lớn chừng nào?

– Lớn như ngươi muốn.

– Tôi muốn được mặt trời và mặt trăng làm bánh xe, hãy cho tôi đi!

Chàng bảo Ba-la-môn:

Ôi!
Trăng trời là cặp sinh đôi giữa ngàn.
Xe tôi nguyên khối bằng vàng,
Có thêm đôi cánh rỡ ràng biết bao!

Người Bà-la-môn trả lời:

Ngươi thật là một kẻ ngu
Ði kiếm thứ ở xa mù
Ta e rằng ngươi sẽ chết
Trời trăng há dễ được ru?

Nhưng chàng trai vặn lại:

– Nhưng ai ngu hơn? Người khóc đòi thứ hiện hữu hay người khóc đòi thứ không hiện hữu?

Trời trăng rạng rỡ đến đi,
Ðây kia đều thấy chẳng khi nào lầm.
Con ông chết chẳng còn trông,
Ai người ngu ngốc khóc mong suốt ngày?

Nghe xong, người Bà-la-môn như bừng tỉnh, thấy chàng trai có lý, ông kết luận:

Trong hai kẻ khóc than thảm thiết
Ta, người ngu khôn xiết chẳng sai
Trăng kia, trẻ mãi khóc đòi
Như ta mong gặp con trai chết rồi.

Hết cả đau buồn nhờ chàng trai giải thích nên người Bà-la-môn khen ngợi:

Tôi như ngọn lửa cháy hừng
Tưới thêm dầu mỡ có ngưng được nào
Người như một trận mưa rào
Tiêu tan sầu khổ lòng nào vui hơn?
Mũi tên đau đáu sầu thương
Nhờ người nhổ bỏ hết vương lụy phiền
Tôi nay vui vẻ an nhiên
Không còn buồn khóc, lời khuyên ghi lòng.

Rồi người Bà-la-môn hỏi:

– Anh là ai?

Là trời, Càn-thát-bà,
Hay Ðế Thích thù thắng?
Là ai? Con của ai?
Làm sao tôi biết đặng?

Chàng trai đáp:

Tôi là người ông khóc than,
Là con ông, đã cháy tan nơi này.
Nhờ làm việc phước, quý thay!
Dứt hơi liền đã sanh ngay cõi trời.

Bây giờ người Bà-la-môn hiểu hết tự sự, nhưng vẫn còn một điểm thắc mắc:

Lúc con còng ở tại nhà
Tí ti cũng chẳng bỏ ra cúng dường
Ăn chay cũng chẳng có luôn
Công đức nào được khiến con lên trời?

Chàng trai trả lời:

Khi tôi nằm ở tại nhà
Ðau nhức vì bệnh trầm kha
May mắn được trông thấy Phật
Người không dục vọng, nghi ngờ
An vui, trí tuệ cao tột.
Lòng tin trong tôi phát ra
Cúi đầu chắp tay quỵ ngưỡng.
Sanh ngay cõi trời ba mươi ba.

Nghe chàng nói, người Bà-la-môn thân tâm tràn ngập vui sướng, nên cất tiếng tán thán:

Kỳ diệu thay! Mầu nhiệm thay!
Kính lễ được quả báo này
Hoan hỷ và đầy tin tưởng
Tôi quy y Phật hôm nay.

Chàng trai đáp từ:

– Hôm nay quy y Phật, Pháp, Tăng với tín tâm, ông hãy lãnh thọ năm giới, giữ gìn nguyên vẹn không sai sót:

* Không được giết sinh mạng kể từ phút này.
* Không lấy của không cho
* Không uống rượu
* Không nói dối
* Chung thủy với vợ mình

Người Bà-la-môn ưng thuận và nói bài kệ:

Này Phạm Thiên cao quý,
Người mong tôi an vui,
Người mong tôi hạnh phúc,
Tôi xin vâng lời người.
Người là thầy của tôi,
Tôi xin quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng.
Từ nay thôi giết hại,
Không lấy của không cho,
Không uống rượu, nói dối,
Chung thủy với vợ mình.

Vị Trời, trước khi từ giã ngỏ ý khuyên bảo:

– Này Bà-la-môn, ông có nhiều của cải. Hãy đến đức Ðạo sư, cúng dường, nghe pháp và thưa hỏi.

Rồi biến mất.

Người Bà-la-môn lòng vui mừng hớn hở về nhà dặn vợ:

– Bà à! Tôi sẽ thỉnh Sa-môn Cồ-đàm đến nhà và thưa hỏi. Hãy chuẩn bị tiếp đón.

Ðoạn ông ta đi đến tịnh xá. Không lễ Phật và cũng chẳng bày tỏ sự vui mừng được gặp Ngài, ông đứng một bên thưa:

– Ngài Cồ-đàm, xin Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh thọ trai tại nhà tôi hôm nay.

Ðức Ðạo sư nhận lời. Ông liền nhanh chóng trở về chuẩn bị tại nhà các thức ăn loại cứng và mềm.

Ðức Ðạo sư cùng chúng Tăng đến nhà ông, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn, và được ông cung kính hầu hạ. Một đám đông không mời gọi đã tu tập không chậm trễ. Khi một ngoại đạo thỉnh Phật, sẽ có hai hạng người tụ đến. Những kẻ tà kiến sẽ tụ đến với ý nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy Sa-môn Cồ-đàm bối rối vì những câu hỏi bủa vây. Còn những người chánh kiến sẽ nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy oai lực và sự thù thắng của Đức Phật.

Ðức Thế Tôn thọ thực xong, ông đến bên Ngài, ngồi xuống chỗ thấp và hỏi:

– Ngài Cồ-đàm, có ai được sanh Thiên chẳng phải vì cúng dường Ngài hay xưng tán Ngài, cũng chẳng vì nghe pháp hay ăn chay, mà chỉ do một hành vi đầy lòng tín tâm?

– Này Bà-la-môn, tại sao ông hỏi Ta? Chẳng phải con trai ông Matthakundali đã nói cho ông nghe rằng anh ta được sanh Thiên nhờ kính tin Ta sao?

– Hồi nào, Ngài Cồ-đàm?

– Chứ chẳng phải hôm nay ông đã đi đến bãi thiêu, và khi đang khóc lóc ông trông thấy một chàng trai cũng vật vã than khóc. Và ông đã chẳng hỏi:

Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói
Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương.

Rồi đức Ðạo sư tiếp tục kể rõ ràng chi tiết cuộc đối đáp giữa hai cha con và trọn vẹn câu chuyện của Matthakundali.

Do đây mà Đức Phật nói lên đoạn kinh:

– Này Bà-la-môn, chẳng phải là một trăm hay hai trăm, mà có vô số người do đặt niềm tin nơi Ta mà được sanh Thiên.

Thấy đám đông chưa hết nghi ngờ, đấng Ðạo sư ra lệnh:

– Phạm Thiên Matthakundali, hãy đến đây với lâu đài của ngươi!

Tức thì Matthakundali hiện ra, thân cao gần một dặm với nhiều đồ trang sức cõi trời. Từ lâu đài bước xuống, Phạm Thiên đảnh lễ đức Ðạo sư rồi cung kính đứng một bên.

Ðức Phật hỏi:

– Ngươi đã tạo lập công đức gì mà được phước báo thế này?

Phạm thiên với dung nhan thù thắng.
Chiếu sáng bốn phương như sao trời,
Hỡi vị Trời oai lực phi thường,
Sinh thời làm công đức gì thế?

Phật nói kệ xong, Phạm Thiên đáp:

– Bạch Thế Tôn, con được phước báo thù thắng này do kính tin Ngài.

– Ngươi được phước báo sanh Thiên nhờ kính tin Ta?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Ðám đông chiêm ngưỡng vị trờ và đồng vui mừng thốt lên:

– Oai lực của Chư Phật thật là kỳ diệu! Con trai Ba-la-môn Adinnapubbaka được phước báo như thế này chỉ do kính tin Phật, chẳng phải do công đức nào khác!

Ðức Ðạo sư bèn thuyết giảng:

– Tâm ý là gốc của hành động, cả tốt lẫn xấu. Chính tâm ý điều khiển hành động. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong Nhơn Thiên như bóng theo hình.

Ðấng Pháp Vương, như một vị Vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tiếp tục đọc Pháp Cú sau:

(02) Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.

(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))