76. Nếu gặp bậc Hiền trí,
Chỉ trách điều lỗi lầm,
Hãy tha thiết kết thân,
Như người chỉ kho báu,
Kết thân người như vậy,
Không xấu, tốt hơn nhiều.
Nếu gặp được người hiền trí chỉ bày lầm lỗi và khiển trách mình những chổ bất toàn, hãy nên kết thân cùng họ, xem như bậc trí thức chỉ cho kho tàng bảo vật. Kết thân với người trí lành mà không dữ.
77. Những ai thường khuyên dạy,
Ngăn chận tội ác sanh,
Ðược người hiền tán thành,
Bị kẻ ác ghét bỏ.
Những người khéo khuyên răn dạy dỗ, can ngăn tội lỗi kẻ khác, đuợc người lành kính yêu bao nhiêu thì bị người dữ ghét bỏ bấy nhiêu.
78. Chớ thân bạn xấu ác.
Chớ thân kẻ đê hèn,
Hãy thân bạn hiền lành.
Hãy thân người cao thượng.
Chớ nên kết bạn với người ác, chớ nên kết bạn với người kém hèn, hãy nên kết bạn với người lành, với người chí khí cao thượng (1).
79. Ai thấm nhuần Chánh Pháp,
Người ấy tâm an bình,
Bậc trí vui Chánh Pháp,
Do Thánh nhơn thuyết minh.
Được uống nước Chánh Pháp thì tâm thanh tịnh an lạc, nên người trí thường vui mừng nghe Thánh nhơn (2) thuyết Pháp.
80. Người đem nước dẫn nước,
Tay làm tên vót tên,
Thợ mộc uốn gỗ bền,
Bậc trí tự điều phục.
Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung tên lo uốn cung tên, thợ mộc lo nảy mực đo cây, còn người trí thì lo tự điều phục lấy mình (3).
81. Như tảng đá kiên cố,
Không gió nào chuyển lay,
Bậc trí cũng thế này,
Khen chê chả dao động.
Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời phỉ báng hoặc tán dương chẳng bao giờ lay động được người đại trí.
82. Như hồ nước sâu thẳm,
Yên lặng và trong xanh,
Bậc trí nghe Giáo Pháp,
Tâm thanh tịnh an lành.
Như hồ nước sâu, yên lặng trong sạch, những người có trí sau khi nghe Pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng.
83. Hiền giả bỏ tất cả,
Thánh giả xả ái dục,
Khổ đau hay hạnh phúc,
Trí giả chả mừng lo.
Người lành thường xa lìa mà không bàn đến những điều tham dục. Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì khổ, lạc.
84. Ðừng vì mình vì người,
Làm điều gì sai trái,
Ðừng mong cầu con cái,
Tài sản hay đất đai,
Bằng hành động lầm sai,
Thành công do bất chánh,
Người ấy thật đức hạnh,
Trí tuệ và chân thành.
Không vì mình cũng không vì người để làm chuyện ác, không vì cầu con cái, giàu có hay mưu việc thiên hạ để làm việc ác, không vì cầu phồn vinh cho mình bằng những phương tiện bất chánh. Người này thật là người giới hạnh và trí tuệ.
85. Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia,
Bao nhiều người còn lại,
Quanh bờ bên này kìa!
Trong đám nhân quần, một ít người đạt đến bờ kia (4), còn bao nhiêu người khác thì đang quanh quẩn tại bờ này (5).
86. Ai tu tập đúng Pháp,
Ðược thuyết giảng rõ ràng,
Sẽ đạt đến Niết Bàn,
Vượt cõi dục khó vượt.
Những người hay thuyết Pháp, theo Chánh Pháp tu hành, thì được đạt tới bờ kia, thoát khỏi cảnh giới tà ma khó thoát (6).
87. Người trí bỏ Pháp đen,
Tu tập Pháp trắng cả,
Từ giã nhà, xuất gia,
Vui viễn ly, tịch tịnh.
Người trí hãy mau từ bỏ hắc pháp (ác pháp) tu tập bạch pháp (thiện pháp), xa gia đình nhỏ hẹp, xuất gia sống độc thân theo phép tắc Sa môn.
88. Từ bỏ mọi dục lạc,
Giải thoát hết chướng phiền,
Người trí nên trước tiên,
Thanh lọc tâm ô nhiễm.
Người trí cần gột sạch cấu uế trong tâm, cầu cái vui Chánh Pháp, xa lìa ngũ dục, chẳng còn vướng mắc chi.
89. Ai chánh tâm tu tập.
Hành pháp Thất Giác Chi,
Từ bỏ tâm ái nhiễm,
Vui đoạn tánh chấp trì,
Sẽ thanh tịnh sáng chói,
Ðạt Niết Bàn đời nay.
Người nào chính tâm tu tập các Pháp giác chi (7) xa lìa tánh cố chấp (8), rời bỏ tâm nhiễm ái, diệt hết mọi phiền não (9) để trở nên sáng suốt, thì sẽ chứng Niết Bàn ngay trong đời hiện tại.
——————————–
CHÚ THÍCH
1. Người không còn điều ác ở thân khẩu ý nữa, chuyên việc tế độ chúng sanh.
2. Chư Phật và A La Hán.
3. Khắc chế năm căn đừng cho thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc điều quấy.
4. Cảnh giới Niết Bàn.
5. Cảnh giới sanh tử.
6. Cảnh giới sanh tử. Câu này ý nghĩa liên quan với câu trên.
7. Giác chi là Thất Bồ Đề phần hay là “Thất Giác Chi” là: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.
8. Chứng được Niết Bàn, giải thoát tự tại.
9. Nguyên văn: Khinasava, dịch nghĩa là “Dứt hết các lậu” hoặc “Các lậu đã sạch hết ”, tức là dứt hết mọi phiền não.
——————————–
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú