kinh-phap-cu-pham-gia-yeu
Thư pháp Đăng Học

146. Hân hoan vui thú gì,
Khi trần gian hực lửa?
Tối tăm mãi vây bủa,
Sao không tìm ánh dương?

Phap-Cu-146
Ảnh: sưu tầm

Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt (*). Ở trong chỗ tối tăm bưng bít (2*) sao không tìm tới ánh Quang Minh (3*)?

——————-

(*): Thế giới bị 11 thứ lửa này thường thiêu đốt: tham (raga), sân (dosa), si (moha), bệnh (vyad-hi), lão (jara), tử (marana), sầu (soda), bi (Pariv-eda), khổ (dukkha), ưu (domandsa), não (upya-sa).

(2*): ví Vô Minh. 

(3*): dụ Trí tuệ.


147. Nhìn hình hài xinh đẹp,
Một khối nặng khổ đau,
Bịnh tật, nhiều lo nghĩ,
Có gì vĩnh cửu đâu!

Phap-Cu-147
Ảnh: sưu tầm

Hãy ngắm cái thân trang sức này chỉ là đống xương (*) lở lói (2*), chồng chất tật bịnh mà người ta tưởng là êm ái (3*), cái thân ấy tuyệt đối không có gì trường tồn.

——————-

(*): Chín chổ nơi thân: hai mắt, hai mũi, hai tai, miệng, đường đại, đường tiểu.

(2*): Thân này do trên 300 đốt xương hợp thành.

(3*): Lầm nghĩ thân này mỹ lệ êm đềm.


148. Thân xác này kiệt quệ,
Ổ tật bịnh hoại hư,
Khối nhiễm ô tan rã,
Chết kết thúc mạng người!

Phap-Cu-148
Ảnh: sưu tầm

Cái hình hài suy già này là cái rừng già tập trung bịnh tật, dễ hư nát. Đã có tụ tất có tán, có sanh tất có tử.


149. Những que xương trắng đục,
Như trái bầu mùa thu,
Bị vất nằm lăn lóc,
Vui sướng gì ngắm ư!

Phap-Cu-149
Ảnh: sưu tầm

Trái hồ lô (trái bầu) về mùa thu thì khô rụng, thân này cũng vậy, rốt cuộc chỉ còn một đống xương màu lông hạc, rõ thật chẳng có gì vui.


150. Thành này xây bằng xương,
Trét tô bằng thịt máu,
Già chết và kiêu mạn,
Hủy báng chứa nơi đây.

Phap-Cu-150
Ảnh: sưu tầm

Thân này là cái thành xây bằng xương cốt, tô quét bằng máu thịt để cất chứa sự già và sự chết, ngã mạn và dối gian (*).

——————-

(*): Hư ngụy (makkho), xưa dịch là che lấp (phủ).


151. Xe vua đẹp sẽ cũ,
Thân xác này sẽ già,
Pháp thiện nhơn bất lão,
Do thiện nhơn truyền ra.

Phap-Cu-151
Ảnh: sưu tầm

Cái xe vua đi dù được trang hoàng lộng lẫy cũng phải hư hoại, thân này dù có trau tria cũng phải già yếu. Chỉ trừ pháp của Bậc thiện nhân (*) là không bị suy già mà cứ di chuyển từ người lành này sang người lành khác.

——————-

(*): chỉ Phật, Bích Chi, La Hán.


152. Người ít nghe kém học,
Phát triển như trâu bò,
Thịt xương ngày một to,
Trí tuệ chẳng tăng trưởng.

Phap-Cu-152
Ảnh: sưu tầm

Người ngu ít nghe, kém học, suốt đời như trâu, gân thịt dẫu lớn mạnh mà trí tuệ không tăng thêm.


153. Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm kẻ xây nhà,
Tìm mãi vẫn không ra,
Nên luân hồi đau khổ.

Phap-Cu-153
Ảnh: sưu tầm

154. Hỡi kẻ làm nhà kia! (a)
Ta thấy mặt ngươi rồi,
Rui mè (b) đòn dông (c) gãy,
Ngươi hết làm nhà thôi,
Tâm ta chừ tịch tịnh,
Tham ái dứt bặt rồi.

(a) Ái dục ; (b) Phiền não; (c) Vô minh

Phap-Cu-154
Ảnh: sưu tầm

Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay Ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết Bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch (*).

——————-

(*): Đây là lời Đức Thích Ca khi thành đạo, tâm sinh hoan hỷ mà nói ra. Sau này có lần nhân ngài A-Nan hỏi nên Phật nói lại lời đó. Kẻ làm nhà chỉ nguyên nhân luân hồi, lòng tình dục, nhà là chỉ thân thể, rui mè là chỉ các thứ dục khác, kèo cột là chỉ Vô Minh.


155. Lúc trẻ không phạm hạnh,
Tiền của chả góp gom,
Như cò già ủ rũ,
Bên hồ không cá tôm!

Phap-Cu-155
Ảnh: sưu tầm

Lúc thiếu niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu hành, thì khi già chẳng khác gì con cò già bên bờ ao, không kiếm ra mồi, phải ủ rũ chết mòn.


156. Lúc trẻ không phạm hạnh,
Tiền của chả góp gom,
Như cánh cung mòn gãy,
Than dĩ vãng chẳng còn!

Phap-Cu-156
Ảnh: sưu tầm

Lúc thiếu niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu hành, nên khi già nằm xuống, dáng ngươi như cây cung gãy, cứ buồn than về dĩ vãng.


Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú