MA HA CA CHIÊN DIÊN (MAHA KACCANA)
BẬC THẦY VỀ LUẬN GIẢI PHẬT NGÔN
Tác giả: Nyanaponika Thera & Hellmuth Hecker
Hiệu dính: Bhikkhu Bodhi
Huớng dẫn: Hòa Thuợng Kim Triệu Khippapañño
Soạn dịch: Ban Biên Tập Thích Ca Thiền Viện
-ooOoo-
PHẦN 3
VỊ LUẬN GIẢI CÁC PHẬT NGÔN NGẮN GỌN
Đức Phật xưng tặng Đại đức Mahākaccāna danh hiệu “đệ nhất đệ tử về khả năng giảng giải chi tiết các lời dạy ngắn gọn của Như Lai.” Ngài nhận được phẩm vị cao quý này phần chính là do tám bài pháp trong Đại Tạng Nikāya: ba bài trong Majjhima (Trung Bộ Kinh), ba bài trong Saṁyutta (Tương Ưng Bộ Kinh), và hai bài trong Aṅguttara (Tăng Chi Bộ Kinh). Ngoài ra, Nikāya còn có một số bài pháp của Mahākaccāna không dựa trên lời dạy vắn tắt của Đức Phật.
Nhìn chung tất cả các bài pháp này đều có một pháp vị đặc biệt thể hiện được phẩm chất cao cả của trí tuệ: thông suốt, cân đối, kỹ lưỡng, cẩn thận, nội dung thiết thực, diễn đạt tinh tế, chính xác, tường tận, và phong phú. So với các bài giảng của các vị khác như Sāriputta, Ānanda thì các bài này có vẻ khô khan hơn, không gây xúc cảm vì thiếu tỷ dụ, ít truyện kể. Các bài giảng của Mahākaccāna hữu hiệu hoàn toàn nhờ phần nội dung hơn là nhờ vào văn từ bóng bảy, và do không khi nào phí phạm ngôn từ cho nên đi thẳng được vào cốt lõi của Giáo Pháp. Về phương pháp phân tích, ngài Mahākaccāna có lối trình bày khá tương tự với ngài Sāriputta. Ngài Sāriputta thường bắt đầu bài pháp với một đề tài đặc biệt được khai triển và phân tích rất hệ thống, vô cùng sắc bén và chính xác. Ngài Mahākaccāna cũng theo phương pháp này nhưng bắt đầu bằng một lời dạy vắn tắt của Bổn Sư.
Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ngài Mahākaccāna được xem là tác giả của hệ thống luận giải lồng trong hai tập kinh thuộc thể loại bình luận: Peṭakopadesa và Nettippakaraṇa. Hai công trình này có một tầm ảnh hưởng quan trọng cho các nhà chú giải Tam Tạng Pāli sau này.
TRUNG BỘ KINH (Majjhima Nikāya)
Bài kinh thứ nhất trong Trung Bộ Kinh mà Đại đức Mahākaccāna giữ một vai trò nổi bật là Madhupiṇḍika Sutta (Kinh Bánh Mật, MN 18).
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn ngụ tại kinh thành Kapilavatthu. Một ngày nọ, một người kiêu mạn thuộc bộ tộc Sākya đến hỏi Đức Phật một cách khiêu khích là Ngài tuyên bố và thuyết giảng những gì. Đức Thế Tôn trả lời Ngài thuyết pháp “không tranh luận với bất cứ ai ở đời”, và “vì các tưởng không còn ẩn tàng trong tâm vị bà-la-môn nên vị ấy sống đoạn ly dục lạc, không hoài nghi, dứt lo sợ, giải thoát mọi tham ái.”
Người ấy không hiểu, bất mãn và bỏ đi. Sau đó, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn dạy thêm cho chư tăng: “Đối với vọng tưởng và hý luận (papañcasaññāsaṅkhā): nếu một người không hoan hỷ, đón mừng, chấp thủ, thì đó là đoạn tận ái dục, sân hận, tà kiến, hoài nghi, ngã mạn, tham hữu, và vô minh ẩn tàng trong tâm; đoạn tận các gây hấn bằng vũ khí, tranh luận, đấu tranh, buộc tội, ly gián, và vọng ngữ; và như vậy tất cả bất thiện pháp này được tiêu diệt không còn chút dư tàn.”
Sau lời giảng vắn tắt, Đức Phật đứng dậy, rời chỗ ngồi, và đi vào hương thất, trước khi thính chúng sa môn kịp xin Bổn Sư giải thích ý nghĩa. Họ suy đoán lời dạy của Ngài và thấy không thể tự hiểu nổi nên bàn với nhau: “Đại đức Mahākaccāna thường được Bổn Sư khen ngợi là có khả năng giải thích chi tiết tường tận các lời Ngài dạy, vậy hãy đến hỏi Đại đức.”
Thoạt đầu Đại đức từ chối lời thỉnh cầu này, dạy rằng khi các vị đến hỏi Đại đức thay vì hỏi Đức Thế Tôn đang ngụ cùng trú xứ, thì đó như là tìm lõi cây quý ở cành và lá của cây mà bỏ qua rễ và thân cây. Nhưng sau đó, do chư tăng khẩn cầu, ngài giải thích và phân tích lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn, mở đầu bằng cách triển khai từng căn của lục căn và các pháp liên đới:
Căn, trần, thức tiếp xúc.
Do xúc nên có thọ,
Do thọ nên có tưởng,
Do tưởng có suy tầm,
Suy tầm sanh hý luận,
Hý luận sanh vọng tưởng
Ngủ ngầm ở trong tâm.
Căn, trần không tiếp xúc,
Sẽ không sanh hý luận,
Sẽ không sanh vọng tưởng,
Sẽ không có tranh chấp,
Nguồn gốc của chiến tranh;
Và các bất thiện pháp –
Ái dục, sân, kiến, nghi,
Mạn, tham hữu, vô minh –
Tiêu diệt không dư tàn.
Sau đó chư tăng tường thuật lên Đức Phật những gì ngài Mahākaccāna diễn bày. Đức Phật hết lời khen ngợi vị đệ tử này: “Này chư tỳ khưu, Mahākaccāna trí tuệ thâm sâu! Mahākaccāna trí tuệ vĩ đại!Nếu các con có hỏi Như Lai thì Như Lai cũng giải thích giống hệt như vậy. Đúng ý nghĩa là như vậy, vì thế các con hãy ghi nhớ những lời Mahākaccāna giải thích.”
Lúc ấy, Đại đức Ānanda đứng bên cạnh, thưa lên Đức Tôn Sư một ví dụ đáng ghi nhớ để tán dương thuyết giảng vi diệu của Đại đức Mahākaccāna: “Bạch Thế Tôn, như một vị lả người vì đói và mệt tìm được một bánh tròn làm bằng mật ong và bột (madhupiṇḍika), cứ mỗi miếng được ăn, là một miếng vị ấy được thưởng thức một vị ngon ngọt. Bạch Thế Tôn, cũng vậy, với bất cứ thiện sa môn nào, cứ mỗi lần suy nghiệm đến ý nghĩa pháp môn này với trí tuệ, là một lần vị ấy được thưởng thức niềm hoan hỷ và tín tâm.”
Hai bài kinh khác trong Trung Bộ Kinh mà Đại đức Mahākaccāna khai triển và phân tích một lời dạy vắn tắt của Đức Phật cũng được ghi lại với bối cảnh tương tự: Đức Phật ban một lời dạy ngắn gọn rồi trở về hương thất; chư tăng nhờ Đại đức giải thích ý nghĩa lời pháp; Đại đức thoạt tiên từ chối nhưng sau đó chấp thuận lời khẩn cầu và làm sáng tỏ lời Phật dạy; chư tăng thuật lại với Đức Thế Tôn; Đức Tôn Sư tán thán thuyết giảng của Mahākaccāna.
Bài kinh thứ hai, Mahākaccāna Bhaddekaratta Sutta (MN 133) tập trung quanh bài thi kệ nổi tiếng Bhaddekaratta (Nhất Dạ Hiền Giả: vị hành giả thành tựu tuệ quán trọn một ngày và đêm), thốt từ kim khẩu của Đức Thế Tôn, và được lưu truyền trong Tăng chúng. Bài kệ nhấn mạnh sự cần thiết phải buông bỏ quá khứ và tương lai, và nên gấp rút nỗ lực hướng tâm để phát triển tuệ quán xuyên thấu các pháp chân đế ngay trong hiện tại. Rất nhiều đệ tử Đức Phật đã học thuộc lòng bài kệ, cùng với những giải thích của Đức Phật, và dùng kệ này để làm cảm hứng cho việc thiền tập và chủ đề cho các bài thuyết pháp.
Một tỳ khưu tên là Samiddhi không hề biết đến thi kệ Bhaddekaratta, nói chi là những luận giải về nó. Ngày nọ, một vị trời nhân từ, rủ lòng bi mẫn, thôi thúc Samiddhi học và hiểu ý nghĩa của thi kệ này. Khi Samiddhi đến thỉnh cầu Đức Phật hướng dẫn, Ngài đọc lại bài kệ:
Quá khứ không truy tầm
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai lại chưa đến.
Hãy thấy bằng tuệ quán
Mỗi pháp trong hiện tại.
Biết vậy, nên tu tập,
Không động, không lay chuyển.
Hôm nay phải tinh tấn;
Ngày mai chết, ai hay?
Không ai điều đình được
Với đại quân Thần Chết.
Nhiệt tâm trú như vậy,
Ngày đêm không ngừng nghỉ,
Đó Như Lai gọi là
Bậc nhất dạ hiền giả.
Rồi Đức Phật đứng dậy, rời chỗ ngồi, và trở về hương thất. Samiddhi và các sa môn có mặt lúc ấy bèn đến Đại đức Mahākaccāna xin ngài giảng giải ý nghĩa. Ngài dùng hai dòng kệ đầu để làm đề tài cho phần trình bày và khai triển bằng cách soi rọi qua sáu căn như sau (tóm lược):
“Một người truy tầm quá khứ khi hồi tưởng về nhãn căn và hình sắc trong quá khứ, bám trụ vào chúng với tham ái và dục vọng; cũng như thế với năm căn kia và đối tượng của chúng.
“Một người ước vọng về tương lai khi ham muốn được hưởng thụ các đối tượng của lục căn chưa hề tiếp xúc.
“Một người không tự trói buộc mình bằng sợi dây tham ái vào nhớ tưởng các căn trần quá khứ, hay vào ước vọng các căn trần tương lai, là người không truy tầm quá khứ hay ước vọng tương lai.
“Cũng giống như vậy, một người có tâm bị cùm xích bởi tham ái vào các căn trần hiện tại được gọi là người bị đánh bại trước các pháp đang sanh khởi trong hiện tại.
“Còn một người tâm không bị ràng buộc bởi tham ái được gọi là người chiến thắng trước các pháp đang sanh khởi trong hiện tại.”
Một lần nữa, các sa môn này tường thuật lên Đức Phật và được Ngài dạy rằng: “Này chư tỳ khưu, nếu các con hỏi Như Lai về ý nghĩa bài kệ, Như Lai cũng sẽ giải thích giống như Mahākaccāna vậy.”
Trong bài kinh thứ ba, Uddesavibhaṅga Sutta (Tổng Thuyết và Biệt Thuyết, MN 138), Đại đức cũng giải thích và khai triển – qua lục căn, lục trần và ngũ uẩn – để làm sáng tỏ một lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn: “Vị tỳ khưu cần quán sát các pháp như thế nào để đối với ngoại trần tâm không bị tản rộng, đối với nội trần tâm không chấp thủ, và do không bám níu, vị ấy không bứt rứt, dao động, sợ hãi. Như vậy, vị ấy không còn đau khổ – sanh, già, chết – trong tương lai.”
TƯƠNG ƯNG BỘ KINH (Saṃyutta Nikāya)
Tương Ưng Bộ Kinh có ba bài kinh thể hiện biệt tài khai triển và luận giải các lời dạy vắn tắt của Đức Phật của Đại đức Mahākaccāna: SN 22:3, 22:4, và 35:130. Bối cảnh và nhân duyên của ba bài kinh này khác với ba bài luận pháp trong Trung Bộ Kinh. Lúc thuyết ba kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh, ngài Mahākaccāna không ở cùng trú xứ với Bổn Sư, mà đang ngụ tại Avantī, trong một hang núi hẻo lánh. Một nam cư sĩ thiện trí tên là Hālīddikāni đến viếng Mahākaccāna và xin Đại đức giảng rộng ý nghĩa một trong các bài pháp ngắngọn của Đức Phật.
Trong bài kinh Tương Ưng 22:3, theo lời thỉnh cầu của Hālīddikāni, ngài Mahākaccāna giảng giải cặn kẽ ý nghĩa một bài kệ mà Đức Thế Tôn đã nói như sau:
Bậc thánh bỏ mái nhà,
Du hành không trú xứ,
Ðối với dân trong làng,
Không thân mật một ai;
Đoạn tận mọi dục lạc,
Không ước vọng sở thích,
Không tham gia tranh luận,
Bất cứ với một ai.
(Snp. 844)
Thoạt tiên, Đại đức Mahākaccāna giải thích rằng từ “nhà” trong cụm từ “bỏ mái nhà” (okaṁ pahāya) không đơn giản chỉ là một nơi cư ngụ mà ám chỉ “nhà của thức” (viññaṇassa oko). “Nhà của thức” là bốn uẩn kia: sắc, thọ, tưởng, hành. Thí dụ như sắc là nhà của thức.
Nếu thức bị lòng tham sắc trói buộc thì hành giả chỉ đang du hành quanh trong một căn nhà. Nếu đã đoạn tận tham dục, hỷ lạc, khát ái, chấp thủ, thì hành giả du hành không nhà. Rồi ngài định nghĩa du hành có trú xứ là bị trói buộc vào lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi đã đoạn tận tất cả trói buộc vào lục trần thì gọi là du hành không trú xứ (aniketasārī).
Các câu còn lại được giải thích theo sát nguyên văn Phật ngôn.
TĂNG CHI BỘ KINH (Aṅguttara Nikāya)
Tăng Chi Bộ Kinh cống hiến hai thí dụ về tài luận giải Giáo Pháp của ngài Mahākaccāna.
Trong bài kinh thứ nhất (AN 10:26), một nữ cư sĩ tên Kāli đến thỉnh cầu ngài diễn rõ thêm về một câu kệ trong bài “Những câu hỏi của thiếu nữ” thuật lại câu chuyện Đức Phật gặp các con gái của Ma vương cố gắng cám dỗ Ngài sau khi Ngài thành đạo (SN 4:25). Nàng Taṇha (Tham ái) hỏi Đức Thế Tôn vì sao Ngài lại phí thời gian ngồi hành thiền đơn độc một mình trong rừng, thay vì làm bạn với dân trong làng. Đức Phật trả lời:
Đã chiến thắng đạo quân
Lạc thú và khả ái,
Đơn độc ta hành thiền
Chứng ngộ chơn an lạc.
Do vậy, Như Lai không
Làm bạn với quần chúng,
Cũng không chút lưu tâm
Thân mật với một ai.
Trưởng lão Mahākaccāna phân tích câu kệ không bằng cách giải thích trực tiếp ngôn từ trong kệ, mà luận giải bằng cách đối chiếu quan điểm của Đức Phật với quan điểm của các ẩn sĩ và đạo sĩ bà-la-môn về kasiṇa (một dụng cụ đặc biệt dùng để thúc đẩy năng lực định tâm trong thiền vắng lặng.) Các vị này thường cho rằng đạt được kết quả định tâm rốt ráo qua các thiền án kasiṇa – kasiṇa đất, kasiṇa nước, kasiṇa lửa, v.v.) – là đã đạt mục tiêu an lạc tối thượng.
Nhưng với mỗi kasiṇa, Đức Thế Tôn đã có kinh nghiệm thân chứng thâm sâu nên biết rõ mức độ chứng đắc cao nhất của các thiền án này. Biết được như vậy, Ngài thấy được sự tập khởi (ādi) của chứng đắc này, tức tham ái, nguồn gốc của khổ; sự nguy hại (ādīnava) của chúng, tức tánh vô thường, bất toại, biến hoại; sự xuất ly (nissaraṇa) ra khỏi chúng, tức Niết bàn; và Ngài thành tựu được tri kiến mà qua đó biện biệt được Đạo và phi-Đạo, tức biện biệt được Bát Chánh Đạo và con đường tu sai trái. Do nhân hiểu biết bốn sự thật này, tức Tứ Diệu Đế, mà Đấng Toàn Giác đã thành đạt quả Niết bàn, thân chứng trạng thái tâm bình an chỉ sanh khởi khi mọi cấu uế, phiền não đã được tận diệt không còn chút dư tàn.
Trong bài kinh Tăng Chi 10:172, theo lời thỉnh cầu của chư tăng, Trưởng lão Mahākaccāna giảng giải cặn kẽ ý nghĩa một lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn: “Phi-Pháp và Pháp, này chư tỳ khưu, cần phải hiểu biết. Nguy hại và lợi ích, cần phải hiểu biết. Sau khi hiểu được phi-Pháp và Pháp, nguy hại và lợi lạc, cần phải thực hành theo Chánh Pháp, theo lợi ích chân chánh.”
Trưởng lão giải thích lời Phật dạy qua lý lẽ của mười bất thiện nghiệp và mười thiện nghiệp (tóm lược):
“Sát sanh là phi-Pháp, từ bỏ sát sanh là Pháp; những ác pháp bất thiện do duyên sát sanh khởi lên – đây là nguy hại; những thiện pháp do duyên từ bỏ sát sanh khởi lên – đây là lợi ích.
“Cũng như vậy với các bất thiện nghiệp khác: trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời vô ích, tham lam tài sản của người khác, sân hận ác ý, tà kiến – đây là phi-Pháp; từ bỏ chúng – đây là Pháp; những ác pháp bất thiện do duyên trộm cắp… tà kiến khởi lên – đây là nguy hại; những thiện pháp do duyên từ bỏ trộm cắp… từ bỏ tà kiến khởi lên – đây là lợi ích.
“Sau khi hiểu được phi-Pháp và Pháp, nguy hại và lợi ích, cần phải thực hành theo Chánh Pháp, theo lợi ích chân chánh.”
-ooOoo-
Phần 1 | Phần 2 | Phần 4 | Phần 5
——————————————–
Xem thêm:
– Cuộc đời Đức Đại Ca Diếp
– Cuộc đời Đức Xá Lợi Phất
– Cuộc đời Đức Mục Kiền Liên
– Cuộc đời Đức A Nan Đà
– Cuộc đời Đức A Nậu Lâu Đà