* CÂU HỎI
Con xin đảnh lễ Thầy _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cơn vô thường mau chóng, hoa nở rồi lại tàn, thân hợp rồi lại tan, sanh tử lớn lao đâu có phần được hẹn. Nhưng giải quyết sanh diệt nơi thân tứ đại không phải mỗi hành giả tu Phật nhắm đến mà mỗi hành giả hướng đến chính là sự sanh diệt trong mỗi sát na nơi tâm, vì nguồn gốc luân hồi khổ đau chính là nơi tâm vọng động. Theo lý thì rõ ràng có thể nắm bắt, nhưng nơi hành đâu dễ như lời nói.
Giữa muôn Pháp Phật rộng sâu nhiệm mầu nhưng không có một Pháp nhất định, từ thấp cho đến cao tùy tâm mà thọ Pháp nhưng vẫn đồng một vị là vị Giải Thoát, Giác Ngộ, đồng Ngộ Nhập Tri Kiến Phật. Thời nay, Phật Pháp chia ra nhiều Tông môn, nhưng đọng lại 3 Tông chủ yếu gồm: Thiền, Tịnh, Mật. Trong mỗi Tông lại có 2 dạng hành giả tu Phật (con xin không nhắc học giả):
- Hành giả nương tựa Giáo lý, phương tiện (nhưng chưa thấy Phật Tánh) để giải thoát và giác ngộ (tiệm tu đốn ngộ).
- Hành giả nương tựa Giáo lý, phương tiện (ngay 1 sát na thọ Pháp liền ngộ Phật Tánh do tích lũy công đức nhiều kiếp tu Phật) (đốn ngộ tiệm tu).
Nay kẻ hậu học xin trình bày những sở ngộ nông cạn, không phải dùng ánh sáng đom đóm để khoe sáng trước ánh sáng Nhật Nguyệt mà để được mong Thầy chỉ dạy con thêm, con có những nghi vấn như sau kính thỉnh Thầy trước giải nghi nơi con, sau làm lợi ích chúng sinh tu Phật hiện tại cho đến đời vị lai:
- Thiền Chánh Pháp Phật có nhiều loại như Thiền Tiểu Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa… Vậy, Thiền Phái Trúc Lâm và Thiền Tổ Sư, phái nào là trực tiếp (Tối thượng thừa, một nhảy vào đất Như Lai) thưa Thầy?
- Còn theo lý thiền mà hành thêm niệm Phật có chướng ngại gì không Thầy (một người mà cùng 1 lượt đi trên 2 con đường thì có thể được sao) vì khi hành thiền là nơi tướng mà lìa tướng, nơi niệm mà chẳng khởi niệm, ngay đây Bổn Tâm vốn rời năng niệm và sở niệm, chẳng khác tâm khởi niệm Phật là vọng (động) đã trái lý thiền?
- Nay hành giả đã nhận ra Bổn Tánh, sống đời Bảo Nhậm thì nên hành trì như thế nào, theo hạnh Vô Trụ hay hạnh Niệm Phật? (theo hạnh Niệm Phật thì nuơng tựa phương tiện, còn hạnh Vô Trụ phải còn đang nương tựa phương tiện không Thầy?), giống như đã nhận ra kho báu trong ta (Bổn Tâm) mà còn đi làm công cho người khác chăng?
Con cúi mong Thầy từ bi chỉ dạy _()_
* PHÚC ĐÁP
Thời mạt tâm cách Phật quá xa, Kinh điển bị tam sao thất bản, Phàm tu đầy bản ngã vô minh, mê Sự bỏ Tánh đã dẫn đến thực trạng tu hành loạn Pháp đảo điên nhiễu nhương cửa Tịnh. Bao người tu Phật, thật có mấy ai cảm ngộ vô thường, chán chường sự khổ, quyết xả ly tất cả, một lòng chí thành tu hành thống thiết vì đại sự liễu sanh thoát tử, nguyện nối gót Từ Bi!
- Không phải Pháp Thiền nào trong số kể trên cũng thuộc về Chánh Pháp Phật.
Tổ Sư Thiền là Pháp trực chỉ Chơn Tâm được truyền thừa từ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Lý – Sự phải viên dung! Phàm ngu tuyệt không thể tỏ ngộ, thông đạt “nơi tướng mà lìa tướng, nơi niệm mà chẳng khởi niệm” bằng tri kiến hư vọng mê lầm; càng không phải để cho niệm tuyệt trơ như gỗ đá (thiền bệnh Vô Ký Không) mà có thể được. Duy chỉ khi nương tựa Diệu Pháp Phật (Tọa Thiền Niệm Phật, Tham Tổ Sư Thiền) trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (Định), khai mở Trí Huệ Vô Sư (Huệ) thì hành giả (Bậc Kiến Tánh) mới hoàn toàn thông tỏ Lý Tánh. Vì thế, bất luận căn trí chúng sanh lợi độn thế nào, tất cả đều phải liễu triệt rồi nghiêm hành Tôn chỉ và Đường lối tu Phật theo trình tự thứ lớp như đã giảng trong bài Đường lối tu Phật, Phật Pháp vấn đáp 33: Thiền – Tịnh song tu thì Đại sự tu hành mới mong thành tựu.
Để giải nghi câu hỏi này, mời Đạo hữu hoan hỷ đọc những bài Pháp trên.
- Người đã kiến ngộ Giác Tánh (kiến Tánh) sẽ y theo hạnh nguyện Từ Bi (Chơn nguyện khởi từ trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật) hoằng truyền Diệu Pháp, độ tận chúng sanh, nối gót Chư Phật.
TÓM LẠI
Tâm thông (kiến Tánh), vạn Pháp thông. Chưa khai mở Trí Huệ Vô Sư, kiến ngộ Tánh Giác (kiến Tánh) mà vọng luận lý thiền thì khác gì Ma sự bồi mê đắp ngã chướng bít cửa ngộ, là Thiền bệnh xưa nay.
Vạn sự ở đời như nước chảy hoa trôi, tu trang nghiêm – Phật độ, còn gì để nặng lòng!
Mong Đạo hữu nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————–
Xem các bài Pháp liên quan:
- Phật Pháp vấn đáp 33: Thiền – Tịnh song tu
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm tham Tổ Sư Thiền
- Mật tông
- Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Đường lối tu Phật
- Hạnh nguyện của người tu Phật
- Ma thuyết (Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị)
- Vô Niệm – Vô Tướng – Vô Trụ (Đức Lục Tổ Huệ Năng khai thị)
- Thành Phật để làm gì?