KINH PHÁP CÚ
2. PHẨM TINH CẦN
Pháp Cú 30
(30) Ðế Thích đạt Thiên Vương,
Nhờ tinh cần đi tới,
Tinh cần được ca ngợi,
Buông lung bị trách chê.
Thế Tôn dạy Pháp Cú này trong tinh xá mùa hè gần Tỳ-xá-ly liên quan đến vua trời Ðế Thích.
Chuyện hiện tại
Câu hỏi của Mahàli
Một ông hoàng dòng Lệ-xá tên Mahàli Tỳ-xá-ly, nghe Thế Tôn đọc bài kinh tựa đề là “Câu hỏi của Ðế Thích”, trong đó Ngài nói những sự tốt đẹp huy hoàng của Ðế Thích, ông đem lòng thắc mắc không hiểu Ngài có trông thấy hay quen biết với Ðế Thích không. Và ông ta đến gần Thế Tôn, ngồi xuống một bên thưa hỏi. Thế Tôn giải đáp rằng trong một tiền kiếp, vua trời Ðế Thích đã từng làm người là ông hoàng Magha nên được gọi là đức Maghavà; một kiếp khác là một người cúng dường nên tên là Purindada; một kiếp nữa là người ham bố thí nên tên là Sakka; là người có thể nghĩ đến ngàn việc trong một lúc tên là Sahassakkha, có vợ A-tu-la nên tên là Sujampati; đã từng thống lãnh các vị trời cõi ba mươi ba nên được gọi là vua trời. Ngoài những công đức này, đức Phật giải thích thêm, trong một tiền kiếp khác vua trời Ðế Thích đã làm tròn bảy điều thệ nguyện là suốt đời:
1) Phụng dưỡng cha mẹ,
2) Lễ kính bậc trưởng thượng,
3) Nói những lời hòa nhã,
4) Không bao giờ nói xấu ai sau lưng,
5) Làm gia chủ với tâm không tham lam keo kiệt, tay rộng mở buông xả những gì thuộc về mình, hoan hỷ rộng lượng, ân cần với người cầu xin, hoan hỷ trong sự bố thí,
6) Nói sự thật,
7) Dứt bỏ sân hận, nếu sân hận nổi lên xin mau buông bỏ.
Ðó là những việc làm của Ðế Thích khi ông là ông hoàng Magha xử sự ra sao nên Mahàli thỉnh cầu Thế Tôn kể chuyện quá khứ. Ngài kể:
Magha trở thành Vua Trời Sakka
Xưa có một ông hoàng tên Magha sống trong làng Macala thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà. Một hôm ông đến chỗ buôn bán thị tứ, lấy chân gạt sạch bụi đất để có một chỗ đứng thoải mái. Nhưng một người khác lại đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Thay vì giận người ấy, ông kiếm một chỗ khác dọn sạch để đứng. Lại một người cũng đến đẩy ông ra chiếm chỗ. Ông dặn lòng đừng giận và lại tìm chỗ khác. Rồi hết người này đến người nọ tiếp tục đuổi ông đi. Ông nghĩ rằng những người này dường như khoái chí, việc làm của ông mang đến niềm vui cho họ, quả là một việc đáng làm. Hôm sau ông mang cuốc dẹp dọn một khoảng đất rộng bằng sân phơi lúa, tức thì thiên hạ đến chiếm chỗ. Mùa lạnh ông đốt lò sưởi ấm họ, vì thế đây là nơi mọi người thích đến. Rồi ông thấy có bổn phận phải làm một con đường bằng phẳng dễ đi, nên sáng sớm ông bắt đầu làm đường, chặt bỏ hết những cành cây vướng víu. Ông đã dành thì giờ để làm những việc như thế.
Có người thấy vậy bèn hỏi ông:
– Thưa Ngài, Ngài đang làm gì thế?
– Tôi đang bước trên đường dẫn đến cõi trời.
– Cho tôi cùng đi với.
– Thưa Ngài, hãy đi với tôi; thiên đường là nơi an lạc cho nhiều người.
Thấy hai người đang làm việc, người thứ ba đến, và tương tự như trước, xin gia nhập. Rồi người thứ tư, thứ năm, cuối cùng là đến người thứ ba mươi ba. Họ dùng cuốc và rìu làm một con đường dễ đi và bằng phẳng dài chừng một hai dặm. Thôn trưởng nghe tin đến xem xét việc họ làm và tỏ vẻ bực bội vì không kiếm chác gì được cho riêng mình. Ông thuyết phục họ đừng làm nữa vì không phải là việc của người tại gia, và ông khuyên họ đi câu cá, săn thú rừng, hoặc chè chén say sưa, hoặc vui chơi thỏa thuê. Nhưng họ không nghe ông, vẫn một mực làm con đường dẫn lên cõi trời. Thôn trưởng tức giận muốn phá họ bèn tâu dối vua đó là một bọn cướp. Vua truyền lệnh bắt ba mươi ba chàng trai cho voi chà. Trước cơn nguy khốn, Magha nhắn nhủ đồng bọn:
– Các bạn, chúng ta không còn chỗ nào để ẩn náu ngoài lòng từ bi. Hãy để tâm an tĩnh. Hãy yêu thương, đừng sân giận bất cứ ai. Nên rải tâm từ đến nhà vua, thôn trưởng và đến cả con voi sắp giẫm chân lên chúng ta.
Ba mươi ba chàng trai vâng lời thủ lãnh của họ. Sức mạnh của tình thương đã khiến con voi không dám đến gần họ.
Vua nghe báo tưởng rằng vì nhiều người nên voi không dám đến, nên ra lệnh phủ lên người họ tấm thảm dày. Nhưng từ xa voi đã thối lui. Vua đoán biết chắc là có lý do gì đây, nên gọi họ lại xem có phải bọn họ là băng ăn cướp len lỏi trong rừng hay không, được biết họ bị thôn trưởng vu oan. Vua ra lệnh bắt thôn trưởng cùng với vợ con làm nô lệ cho họ, tặng một con voi để cưỡi và cả ngôi làng ấy để tùy nghi sử dụng. Ba mươi ba chàng trai thấy rõ công đức mang đến lợi lạc ngay đời này, họ càng thêm phấn khởi, nên khi cưỡi voi về làng họ bàn tính sẽ làm thêm nhiều công đức nữa. Cuối cùng họ nhất trí xây dựng một nhà khách cho dân chúng tại ngã tư đường lớn, một tòa nhà an toàn và kiên cố. Họ mời chủ thầu đến giao việc, và cấm không cho phụ nữ dự phần vào, vì họ đã dứt được lòng tham dục đối với phụ nữ.
Lúc bấy giờ có bốn bà ở trong nhà Magha là Hoan Hỷ, Trầm Tư, Thiện Tánh và Thiện Sanh. Thiện Tánh bí mật đến gặp chủ thầu hối lộ để ông ta chạm câu “Căn nhà này của Thiện Tánh” vào tháp nhọn trên mái nhà. Chủ thầu vớ được món bở, đồng ý ngay và cho hạ một cây khô. rồi đẽo, bào, khoan thành một tháp nhọn, xong quấn vải cất lại.
Khi căn nhà đã hoàn thành, đến ngày dựng tháp chủ thầu giả bộ hoảng hốt tìm ba mươi ba chàng trai báo tin là còn thiếu cây tháp. Họ hối phải làm ngay, nhưng không thể làm với cây tươi được. Chủ thầu lúc đó bảo họ tốt nhất là đi tìm nhà nào đã làm sẵn tháp để bán. Họ tìm kiếm khắp nơi và chỉ trong nhà Thiện Tánh là có sẵn tháp. Họ chịu mua với giá một ngàn đồng, nhưng Thiện Tánh không bán mà chỉ muốn góp phần vào công trình xây dựng. Các chàng trai ban đầu từ chối viện dẫn không muốn cho phụ nữ tham gia, nhưng sau bị chủ thầu thuyết phục là chỉ có cõi Phạm Thiên mời loại trừ đàn bà, nên họ nhận tháp để công trình sớm hoàn tất. Rồi họ chia căn nhà ra ba phòng, một dành cho vua, một cho người nghèo và một cho người bệnh.
Họ xây tiếp ba mươi ba chỗ ngồi, dặn con voi khi có khách đến ngồi vào chỗ nào thì mời khách đến nơi vị chủ của chỗ ngồi đó, để chủ làm bổn phận với khách như xoa bóp chân và lưng khách, dâng thức ăn cứng và mềm dọn chỗ ở, tức là làm tốt mọi việc phục vụ khách.
Magha trồng một cây mun gần tòa nhà và xây một ghế đá dưới gốc cây. Khách vào tòa nhà. Nhìn tháp nhọn đọc tên của Thiện Tánh đã khắc chạm vào đó, mà không thấy tên ba mươi ba chàng trai đâu cả.
Hoan Hỷ thấy Thiện Tánh khéo góp phần vào, trong khi mình chưa có gì hết, bèn nghĩ cách đào một hồ nước, để cung cấp nước uống và nước tắm cho khách. Ðến lượt Trầm Tư cũng vậy, biết rằng ai đã bước vào tòa nhà, sau khi uống nước và tắm đều trang điểm vòng hoa trước khi đi ra, nên cho trồng một vườn hoa tráng lệ với nhiều hoa đẹp và trái quý đến nỗi không ai bảo bông trái này chắc chắn là từ vườn hoa của Trầm Tư. Riêng phần Thiện Sanh là em họ và cũng là vợ của Magha nên nghĩ rằng công đức của Magha nàng sẽ được hưởng lây. Cũng như công đức của nàng Magha vẫn hưởng chung, do đó nàng chẳng làm gì cả, chỉ lo trang điểm.
Như vậy, Magha người phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính bậc trưởng thượng, nói sự thật, không lỗ mãng, không nói sau lưng, bỏ lòng tham, không nổi sân, tức là đã làm tròn bảy giới luật nên được làm vua trời cõi ba mươi ba sau khi tái sanh. Các bạn đồng hành cũng đều sanh thiên nơi đó. Còn người chủ thầu thì làm trời Vissakamma.
Khoảng thời gian đó còn loài A-tu-la sống ở cõi trời ba mươi ba, và khi họ biết có những vị trời mới sinh lên đó bèn chuẩn bị tiệc rượu cho họ. Nhưng vua trời Ðế Thích cấm nhóm bạn mình không được uống nước đó. Các A-tu-la thì uống thỏa thuê và say nhè. Ðế Thích không muốn cho A-tu-la sống chung với mình nên ra hiệu cho nhóm bạn mình đá họ rơi xuống biển. Nhờ có công đức nên dưới chân núi Tu-di mọc lên tòa lâu đài cho A-tu-la và cây hoa Kèn nhiều màu.
Cuộc xung đột giữa chư thiên và A-tu-la kết thúc, phần thắng về chư thiên. Từ đó thành lập cung trời ba mươi ba. Khoảng cách từ cổng Ðông sang cổng Tây là mười ngàn dặm, từ cổng Bắc đến cổng Nam cũng vậy. Cung trời có một ngàn công tô điểm với vườn cảnh và hồ nước. Do quả báo từ việc xây cất nhà khách, nổi lên ngay giữa cung một điện các tên là Chiến Thắng. Cao bảy trăm dặm, cờ phướn dài ba trăm dặm treo la liệt. Trên cột vàng treo cờ ngọc, trên cột ngọc treo cờ vàng, trên cột san hô treo cờ hổ phách, trên cột hổ phách treo cờ san hô, trên cột bằng bảy loại đá quý treo cờ bằng bảy loại đá quý.
Quả báo việc trồng cây mun khiến mọc lên cây san hô ôm một trăm dặm. Quả báo của việc xây chỗ ngồi dưới gốc cây khiến hiện ra dưới gốc san hô một ngai bằng đá vàng, màu vàng ửng đỏ giống như hoa Lài, dài sáu mươi dặm, rộng năm mươi dặm và dày mười lăm dặm. Khi Ðế Thích ngồi lên ngai thì bị lún xuống một nữa, nếu đứng dậy thì trồi lên hết, vì được tái sanh làm trời Eràvana. Vì cõi trời không có loài vật nên muốn đến vườn giải trí voi phải bỏ thân trời hiện tướng voi trở lại, cao lớn cỡ một trăm năm mươi dặm. Voi Eràvana làm ra ba mươi ba vại nước cho ba mươi ba chàng trai, mỗi cái chu vi ba phần tư dặm. Ðúng ngay trung tâm voi tạo một bồn nước tên là Mỹ Lệ dành cho trời Ðế Thích, chu vi ba mươi dặm, bên trên có che một vòm làm toàn bằng ngọc quý rộng mười hai dặm. Quanh vòm cách khoảng đều treo những lá cờ dài một dặm bằng bảy báu. Một hàng chuông leng keng dính vào biên dưới lá cờ, mỗi khi gió thổi rung lên một điệu nhạc êm dịu như âm thanh phát ra từ năm loại nhạc cụ hay tiếng hòa của chư thiên. Giữa lầu các đặt sẵn một giường bằng ngọc dài một dặm cho Ðế Thích tựa mình trang trọng. Trong ba mươi ba vại nước của ba mươi ba vị trời, mỗi vại mọc lên bảy ngà voi, mỗi cái dài năm mươi dặm và chứa bảy hồ sen, mỗi hồ sen nhô lên bảy cọng sen, mỗi cọng sen nở bảy hoa sen, mỗi hoa có bảy nhánh và trên bảy nhánh có bảy thiếu nữa đang múa. Như thế trong phạm vi năm mươi dặm ở mọi phía đều có hội chúng nhảy múa lơ lửng trên vô số ngà voi. Vua Ðế Thích đã thụ hưởng lạc thú sung mãn như vậy.
Thiện Tánh qua đời cũng tái sanh về cõi trời, đồng thời xuất hiện giảng đường Thiện Tánh, nhà luận nghị của chư thiên rộng chín trăm dặm đẹp không nơi nào bì kịp, và tại đó vào ngày thứ tám hàng tháng có thuyết pháp. Từ đó trở đi ai trông thấy nơi nào lộng lẫy cũng nói giống nhà nghị luận của chư thiên tức giảng đường Thiện Tánh.
Hoan Hỷ và Trầm Tư đều sanh thiên, đồng thời hiện ra một hồ sen tên Hoan Hỷ rộng năm trăm dặm và một khu rừng dây leo tên Trầm Tư rộng năm trăm dặm. Nhưng riêng Thiện Sanh tái sanh thành một con sếu ở trong hang núi.
Nhận biết tình trạng những người vợ cũ mình như thế, Ðế Thích tìm cách giúp cho Thiện Sanh có cơ hội tạo lập công đức. Ông cởi bỏ lớp trời đến bên Sếu trò chuyện. Ông phải xưng tên là Magha vì Sếu không nhận ra và kể cho nàng biết là bạn bè đều sanh thiên, hỏi nàng muốn gặp họ không, nàng ưng thuận. Ông đặt nàng trong lòng bàn tay mang lên trời đến bên hồ sen Hoan Hỷ rồi gọi những bà kia đến. Họ thấy Sếu, chế nhạo một hồi, nào là mỏ nàng, bàn chân rồi đến cặp chân, kết luận một câu:
– Hãy xem quả báo của quý nương, người chỉ dành thời giờ để tô son chuốt phấn cho riêng mình!
Xong kéo đi hết.
Ðế Thích mang nàng trở về chỗ cũ trên mặt nước và dọ ý xem nàng có thích cõi trời hay không. Nàng rất ưa thích vì thấy trên đó vui sướng đẹp đẽ. Ông dạy cho nàng năm giới. Ba lần Ðế Thích hóa làm cá giả như chết để thử nàng, khi nàng lấy mỏ quắp cá vẫy đuôi, nàng liền không ăn. Nàng Sếu giữ giới không ăn cá sống, chỉ ăn cá đã chết rồi hoặc không ăn gì hết, chẳng bao lâu nàng héo mòn và chết. Do phước báo của việc giữ giới này nàng tái sanh làm con gái người thợ gốm ở Ba-la-nại. Khi cô gái lên mười lăm, mười sáu tuổi, Ðế Thích bỏ lốt trời, lấy bảy báu đã hóa thành dưa chuột chất đầy xe đẩy vào thành Ba-la-nại rao bán. Người ta cầm tiền đến mua, giá nào ông cũng không bán. Có người thắc mắc hỏi tới, ông đáp là chỉ cho người nào giữ giới, họ lại hỏi tiếp giới là gì, không giữ giới, nên ông đẩy xe đi. Có người chỉ cho ông con gái thợ gốm thường nói “Tôi giữ giới”, ông đánh xe đến nhà cô và giao cho cô kho báu của trời trong lớp dưa chuột không hề mất mát.
Qua kiếp này cô gái tái sanh làm con của vua A-tu-la là Vepacitti. Vì giữ giới trong hai kiếp liên tiếp nên cô rất duyên dáng mỹ miều từ thân hình đến nước da màu vàng chưa từng thấy. Cha cô rất kén rể, ai cũng không vừa ý, cuối cùng ông mời hết A-tu-la đến, đặt tay vào con gái một vòng hoa bảo nàng tự chọn người chồng vừa ý. Ðế Thích biết được biến thành một A-tu-la lọm khọm đứng vòng ngoài các chàng trai. Cô gái vì ở một kiếp trước đã từng làm vợ Ðế Thích nên khi thấy ông mãnh lực ái tình tuôn tràn, nàng liệng vòng hoa lên đầu ông và la lên:
– Ông ta là chồng tôi!
Các chàng trai A-tu-la buồn bã bảo nhau:
– Ðúng là già kén kẹn hom, chàng phò mã này đáng ông nội cô ta!
Lúc đó Ðế Thích hiện nguyên hình trời, nắm tay cô gái bay lên không la lên:
– Ta là Ðế Thích!
Các A-tu-la đồng thanh hô lớn:
– Lão Ðế Thích này lừa chúng ta rồi! Và họ rượt đuổi theo.
Người đánh xe Màtali đem xe chiến thắng đến ngừng giữa đường rước Ðế Thích và cô dâu chạy về cung trời. Ðến rừng cây Bông và Tơ bầy chim non Garuda(Kim Xí Ðiểu) nghe tiếng bánh xe sợ bị nghiến nát kêu cứu inh ỏi. Ðế Thích liền ra lệnh cho Màtali quất roi khiến ngàn tuấn mã Sindh quay đầu chạy trở lại. Các A-tu-la thấy vậy nghĩ rằng Ðế Thích đã có viện binh nên cũng trở lui về thành bằng con đường cũ, và không bao giờ dám ló đầu ra nữa. Từ đó cô gái A-tu-la Thiện Sanh được tấn phong lên cầm đầu hai mươi lăm triệu thiên nữ. Nàng chỉ có một mình trên thiên giới, không cha mẹ, anh em … nên thường xin đi theo Ðế Thích.
Thời gian sau khi cây hoa Kèn nhiều màu nở hoa, các A-tu-la reo lên là cây san hô trên thiên giới trổ bông và họ xông lên tấn công Ðế Thích. Vua trời bèn đặt trạm gác để ngăn chặn giúp loài rồng Nàgas dưới biển và cho bảo vệ chim thần Supannas và chư thiên Kumbhandas, trời Dạ-xoa (Yakkhas) và cả Tứ Thiên Vương. Ðể ngăn ngừa tai họa, ông đặt trước cổng thành ảnh Ðế Thích tay cầm lưỡi tầm sét. A-tu-la đánh thắng loài rồng Nàgas và các phi nhân khác xong tiến đến cổng thiên giới họ thấy ảnh Ðế Thích hô hoán lên “Ðế Thích xông ra kia kìa!” và vội bỏ chạy.
Thế Tôn kết luận:
– Này Mahàli! Ông hoàng Magha đã chọn con đường tinh cần chánh niệm thế đó, và đạt đến ngôi vị tối cao cai quản hai thiên giới. Tinh cần chánh niệm được chư Phật và mọi người tán thán, nhờ thế sẽ đạt quả vị cao tột thế gian và xuất thế gian.
Rồi Ngài đọc Pháp Cú:
(30) Ðế Thích đạt Thiên Vương,
Nhờ tinh cần đi tới,
Tinh cần được ca ngợi,
Buông lung bị trách chê.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))