phat-phap-van-dap-22-niem-phat-cau-vang-sanh-tay-phuong-cuc-lac
Nam mô Tây Phương Thế Giới Đại Từ Đại Bi Đại Cổ Phật Vương A Di Đà Phật. Nam mô Thập Phương Tam Thế Phật Mẫu Đại Từ Đại Bi Đại Cổ Phật Vương A Di Đà Phật.

* CÂU HỎI

Kính Thầy!

Thầy hoan hỷ cho con bạch: con nay trên 60 tuổi rồi, hay đi chùa cộng tu niệm Phật, cầu nguyện sau này con có mất sẽ được vãng sanh Tây phương Cực Lạc của Đức Từ phụ A Di Đà. Con rất tin vào lòng Từ Bi của Phật, cũng rất an tâm với Pháp môn mình đang được chỉ dạy tu vì nhiều vị Thầy nổi tiếng khắp thế giới cũng dạy như vậy.

Tuy nhiên, khi đọc Kinh Kim Cang, con thấy Đức Phật dạy là: ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, con thấy rất hoang mang nhưng không dám hỏi ai, nhiều lúc con muốn lờ đi nhưng nó cứ lẩn quẩn ở trong đầu. Xin Thầy hoan hỷ chỉ rõ ạ!

Nam mô A Di Đà Phật!

 

* PHÚC ĐÁP

Cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc: đó là kiến giải và hành Pháp sai lệch của đại đa số người tu Tịnh thời nay. Nguyên nhân sâu xa của những điều này là do Kinh điển bị tam sao thất bản, người tu (tu sĩ, cư sĩ) thiếu Chánh kiến và Trí huệ, chướng chấp vào văn tự và sắc tướng huyễn hoặc, lại tự ngã lập tri, xa rời Tôn chỉ tu Phật nên dịch giải Phật Pháp theo mê kiến lầm lạc. Điển hình như:

1. Tây Phương

“Bấy giờ Đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá-Lợi-Phất rằng: Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức Cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có Đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói Pháp.” 

 (trích Kinh A Di Đà. Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)

Qua trích đoạn Kinh trên, hỏi:

  • Phật Tánh trùm khắp Hư không, biến khắp Pháp giới, hỏi có giới hạn ngằn mé không? Lòng Từ Chư Phật mênh mông vô lượng, hạnh nguyện vô biên độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương, hỏi có hạn lượng nào? Do đó, nếu xét về Từ tâm – Bi nguyện – Mật hạnh thì cõi Phật A Di Đà trùm khắp Pháp giới Hư không độ tận chúng sanh tất thảy quy về, nào chỉ tại phương Tây theo tri kiến mê lầm hạn hữu?
  • Nếu xét về trú xứ của 1 vị Phật thì từ đây (Ta Bà ngũ trược) qua phương Tây quá mười muôn ức Cõi Phật (trú xứ của các vị Phật) mới đến Cõi Phật A Di Đà, vậy Tây Phương cõi Phật A Di Đà vốn không thể nghĩ bàn bằng căn trí của phàm phu, thậm chí của cả Chư Đại Bồ Tát thì cớ sao đồng nhất theo phương hướng thường tình của thế gian?

Rõ thấy, trích đoạn trên đã gây ra rất nhiều ngộ nhận, kiến giải sai lệch về yếu nghĩa 2 chữ Tây Phương, vốn không thể nghĩ bàn. Từ đó, cần liễu tri rằng: bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc chỉ là danh xưng giả lập theo tri thức loài người (phàm phu) nhằm phục vụ cho đời sống nhân sinh, nào có liên quan đến Tây Phương Cõi Phật A Di Đà tối cao vô thượng, nơi trú xứ của Đức Cổ Phật Vương – Đức Phật Mẫu của 10 phương 3 đời Chư Phật. Cho nên, người tu Phật hãy theo tinh thần Tứ Y Pháp (Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa Kinh bất y bất liễu nghĩa Kinh) mà Đức Phật truyền dạy để liễu tri, kính tín chứ đừng chấp theo văn tự mà tri hành và diễn giảng lệch lạc nghĩa Tây Phương thì tự chướng trái Đạo Bồ Đề.

2. Cực Lạc

“Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.”

 (trích Kinh A Di Đà. Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)

Từ đoạn trích trên, người tu cần sáng tỏ:

  • Ai sống trên đời cũng đều mong muốn lìa khổ được vui, truy cầu và đấu tranh không mỏi vì lẽ đó theo chấp ngã mê lầm nên phải trầm luân thống khổ. Xét cho cùng, mọi cảm thọ của chúng sanh phàm phu như thương – ghét, vui – buồn, sướng – khổ… đều vô thường sanh diệt, luân phiên tiếp nối không ngừng trong từng sát na tâm niệm. Thế thì truy tìm, vọng cầu, an hưởng những cảm thọ hạnh phúc, an lạc, thậm chí Cực Lạc khi tu Đạo chung quy chỉ là tướng KHỔ luân hồi (Thọ thị Khổ), là chấp mê sâu nặng, là điên đảo Chánh Pháp chứ nào phải giác ngộ – giải thoát chơn như, cớ sao tà kiến gán danh Cực Lạc lắm mùi tục lụy trần lao cho Cõi Phật Vương tối cao vô thượng?
  • Do đó, người tu Phật nếu không “chiếu kiến ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giai Không”, sao có thể “độ nhất thiết khổ ách”? Người tu Phật nếu không y Tánh tâm hành vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ, hỏi chướng chấp ngã tướng cố hữu làm sao tiêu trừ đoạn tận mà ngược lại, ắt càng khiến cho tập khí si mê tự bao đời thêm chất ngất nặng hành trang?
  • Còn đó lời Phật dạy về 5 loại Ấm Ma, gồm: Sắc ấm ma, Thọ ấm ma, Tưởng ấm ma, Hành ấm ma, Thức ấm ma (Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm) hầu nhắc nhở và cảnh tỉnh hậu thế tránh chướng chấp vào đó, khiến lạc Đạo Bồ-Đề. Thế thì Cõi Phật Vương A Di Đà trang nghiêm tịch tịnh vi diệu không thể nghĩ bàn, phàm phu chúng sanh sao có thể tà kiến lập tri tán tụng dưới danh xưng Cực Lạc theo thiển trí mê vọng của mình, rồi truyền giảng điều Phi Pháp này thêm sâu rộng? Có biết bao người tu đắm nhiễm trong vọng cầu mê mải (tham), chướng trái lìa Tánh tu hành (si) mong an hưởng Cực Lạc (mê) mà sa vào 5 loại Ấm Ma (Tà) tự không thể thoát, tất cả cũng vì tà kiến Cực Lạc mà ra.

Lại nữa:

“Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lớn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc. 

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. …

 Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của Đức Phật đó thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức Đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành. …

Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của Đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy”.

(trích Kinh A Di Đà. Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)

Rõ thấy:

  • Cõi Phật A Di Đà vô thượng trang nghiêm tịch tịnh vi diệu không thể nghĩ bàn đã được phàm Tăng hay Tà sư thêm thắt, dịch giảng, miêu tả dưới đủ hình tướng sanh diệt như hồ ao, hàng cây, lầu gác bằng vàng bạc châu báu, thậm chí còn có cả việc ăn uống thì than ôi…! Hãy nhớ: ngôn ngữ phương tiện không thể diễn giải rốt ráo Diệu lý Phật-đà thì huống gì cõi Phật A Di Đà vô thượng trang nghiêm tịch tịnh vi diệu. Đã không thể nghĩ bàn, thậm chí Chư Đại Bồ Tát còn không thể liễu tận thì cớ sao phàm ngu phạm Thượng gán những điều vọng hoặc ấy của mình quy do Phật thuyết? Trực tâm trạch Pháp mà nói, Tà kiến đó khác gì chiêu dụ, lừa mị Tín chúng lẩn quẩn trong chấp trước vào ngã tướng hư huyễn, trong vọng cầu chướng trái, chỉ khiến tâm chúng sanh đã mê càng thêm loạn, đã tham lại càng thâm…, từ đó huệ mạng thoái thất chớ nào có được Pháp vị giải thoát gì khi tu Đạo. Đức Phật không giảng những điều Tà kiến Mê pháp huyễn hoặc nhiễu hại chúng sanh mãi luân hồi trong khổ báo, thật đúng là Tam Thế Phật oan!
  • Vì thế, dẫu Kinh A Di Đà do chính Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết (vô vấn tự thuyết) để rộng độ chúng sanh thời mạt tâm nếu trì Giới y Tánh tu hành tinh tấn (tức Tự lực) ắt sẽ cảm ứng đạo giao được 10 phương Chư Phật độ trì tu tiến (tức Phật lực cộng cùng) nhưng xót xa thay, lời Ngài giảng thuở xưa do không có văn tự lưu lại nên đã bị tam sao thất bản, thêm thắt rồi dịch thuyết trong mê vọng lầm lạc tự bao đời nay. Trích đoạn sau trong Kinh Tăng Chi Bộ đã nói lên tình trạng Kinh điển bị tam sao thất bản xảy ra như 1 điều tất yếu nên Đại chúng hãy cẩn trọng dùng Chánh kiến tư duy minh định Phật Pháp thật tận tường thấu đáo trước khi thọ trì (xem bài: Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp):

– “Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

– Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A-hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy không nói lại Kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, Kinh bị cắt đứt tại gốc rễ, không có chỗ y cứ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.”

 (trích Kinh Tăng Chi Bộ)

3. Cầu vãng sanh

Khái quát, vãng sanh có nghĩa là cảnh giới thọ báo trong Lục đạo luân hồi sau khi chấm dứt cuộc sống phàm trần mà một chúng sanh sẽ phải thọ lãnh tùy túc nghiệp đã gieo theo luật Nhân Quả – Nghiệp báo công bằng. Nếu 2 chữ vãng sanh là chỉ cho phàm phu chúng sanh trôi lăn luân hồi trong Lục đạo do nghiệp báo chiêu cảm thì liễu sanh thoát tử là chỉ cho thành tựu tu hành của Bậc kiến Tánh (tâm thiền Vô Niệm). Từ đó, rõ thấy:

  • Đạo Phật là Đạo giác ngộ – giải thoát chứ không phải Đạo vãng sanh, Đạo cầu xin nặng mê tín thần quyền nghịch lý. Đại sự tu Phật là kiến ngộ Phật Tánh, liễu thoát tử sanh bởi “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh (chủng tử Phật) nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm! Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu nhẫn lực tu hành chơn chánh theo lời Phật dạy vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh” (Phật ngôn). Mười phương Chư Phật chỉ vì Đại sự nhân duyên này mà thị hiện hóa độ tất cả chúng sanh mê, từ bi dạy bảo: “Các con hãy lấy Giới luật làm Thầy, y theo Diệu Pháp Như Lai mà tu hành chơn chánh, nương tựa chính mình tự thắp đuốc (Trí Huệ) mà đi”. Nếu gieo Chánh nhân: trực tâm y Tánh tu hành chơn chánh trang nghiêm, nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật (Giới – Định – Huệ) ba thời chẳng mỏi dẫu sanh tử có cận kề trước mắt thì Chánh quả giác ngộ – giải thoát là lẽ tất nhiên trong mai hậu. Ngược lại, nghiệp tạo chất chồng, lìa Tánh tu hành thì dẫu có van lơn vọng cầu thống thiết mong được vãng sanh Cõi Phật cũng không được ích lợi gì, hậu phần ắt sẽ trầm mê trong Tam đồ ác đạo hay sáu nẻo vào ra, vô cùng thống khổ. Đó là do Luật Nhân quả – Nghiệp báo công bằng chiêu cảm tự nhiên, nào phải muốn ắt thành, cầu ắt được theo tà kiến thần quyền nghịch lý. Nên nhớ: Đức Phật giáo hóa chúng sanh tin sâu Nhân – Quả, trực Tâm y Tánh nhẫn lực tinh tấn tu hành chứ KHÔNG dạy chúng sanh mê lầm Nhân – Quả, lìa Tánh tu hành mãi vọng cầu chướng trái…
  • Qua đó, những cụm từ như: cầu vãng sanh Cõi Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc, cầu vãng sanh Cực Lạc, niệm Phật cầu vãng sanh… đã tự mâu thuẫn nhau, nghịch lý Nhân – Quả, chướng trái Tôn chỉ tu Phật chơn truyền (vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ). Tà pháp này đã làm biến tướng Đạo Phật, dẫn dắt bao đời chúng sanh lầm lạc trong Tà tín thần quyền (si) và vọng cầu mê mải (tham), thiêu rụi Huệ mạng của Tín chúng (tu sĩ cũng như cư sĩ) trong khi đó lại được chính họ hoằng truyền tu rộng thì than ôi, mạng mạch Phật Pháp tại thế gian rồi sẽ về đâu? Lẽ ra tập khí tham – sân – si bao đời chồng chất bao nhiêu thì khi tu Phật phải nhẫn lực tinh tấn đoạn trừ bấy nhiêu mới mong Đạo tâm thanh tịnh – Trí huệ bừng sáng, sao lại góp phần làm cho tập khí vô minh chướng trái đó thêm sâu dày chất ngất (nội chướng) bằng những Tà kiến – Tà pháp này thì ắt sẽ chiêu cảm Tà mị (ngoại Ma) dẫn dắt tu lầm đường lạc lối, chắc chắn lạc Đạo Bồ Đề.
  • Hãy tịnh tâm tư duy chiêm nghiệm tận tường Đạo lý từ lời khai thị của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật về nguyện cầu nghịch lý trong trích đoạn sau từ Kinh tạng Nikàya:

“Một thời, Thế Tôn trú ở Nàlandà tại rừng Pàvàrikamba, có vị thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến đảnh lễ rồi bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, các vị Bà la môn có thể cầu nguyện cho một người đã chết bằng cách kêu tên vị ấy lên và dẫn vị ấy vào Thiên giới?

Này thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào khi có một người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, vọng ngữ, tham lam, sân hận, tà kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này được sinh về Thiên giới?

Này thôn trưởng, ví như có người lấy một tảng đá lớn ném xuống hồ sâu, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng tảng đá hãy nổi lên. Ông nghĩ thế nào, tảng đá ấy do nhân duyên cầu khẩn mà có thể nổi lên không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, những người sống theo ác hạnh như trên, khi mạng chung dù được cầu nguyện sinh Thiên giới nhưng vẫn phải đọa vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ.

Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, khi có một người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh, không vọng ngữ… có Chánh tri kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này bị đọa vào Địa ngục?

Này thôn trưởng, ví như có người đem dầu đổ xuống hồ nước, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng dầu hãy chìm sâu xuống nước. Ông nghĩ thế nào, dầu ấy do nhân duyên cầu khẩn mà có thể chìm xuống đáy hồ?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, những người sống theo thiện hạnh như trên, khi mạng chung dù bị cầu nguyện đọa vào Địa ngục nhưng vẫn sinh vào Thiên giới.”

(ĐTKVN, Tương Ưng IV, chương 8,
phần Người đất phương
Tây hay người đã chết,
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.488)

  • Hãy tịnh tâm tư duy chiêm nghiệm tận tường Đạo lý từ lời khai thị của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật về Chơn niệm Phật với Tâm Xả Ly như sau:

“Nầy Diệu-Nguyệt! Người niệm Phật trong khi xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật phải phát khởi cái Tâm Xả Ly, lìa bỏ tất cả. Sao gọi là Lìa Bỏ?

Lìa Bỏ nghĩa là không trụ tướng mà niệm Phật, không nắm giữ mà niệm Phật, không tương ưng mà niệm Phật, không đối đãi mà niệm Phật, không chống trái mà niệm Phật, không cầu mong mà niệm Phật, không nhiễm duyên mà niệm Phật. Như thế gọi là Xả Ly Tâm mà niệm Phật.

Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết ta đang niệm Phật, như thế mới gọi là Lìa Bỏ.

– Lìa bỏ “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Tín giải, Hành chứng” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Từ – Bi – Hỷ – Xả” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Không, Vô thường, Vô ngã” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ “Bồ đề, Niết bàn, Giải thoát, Giải thoát tri kiến” mà niệm Phật.

– Lìa bỏ tất cả các pháp hữu vi, tất cả các pháp vô vi mà niệm Phật.

Lìa bỏ ngã và ngã sở.

Lìa bỏ luôn cả ý tưởng cầu mong vãng sanh, chí nguyện độ sanh, ý hướng thành Phật mà niệm Phật.

Niệm Phật với Tâm Xả Ly như thế mới được gọi là Chơn Chánh Niệm Phật!

(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)

  • Hãy minh tường lời khai thị của Đức Lục Tổ Huệ Năng về Chơn niệm Phật để cảnh tỉnh mê lầm:

Kẻ mê niệm Phật cầu sanh nơi khác, người ngộ tự tin nơi tâm. Cho nên Phật nói: Tùy nơi tâm tịnh tức Phật độ tịnh…

Tự Tánh Như Lai trong tâm địa phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh liền phá hết lục dục chư Thiên, Tự Tánh chiếu soi bên trong liền trừ Tam-độc Tham – Sân – Si, các tội Địa ngục nhất thời tan rã. Trong ngoài sáng tỏ, chẳng khác Tây Phương. Nếu chẳng tu như vậy, Tây Phương làm sao đến được?...

Chỉ cần Tâm được thanh tịnh tức là Tự Tánh Tây Phương.”

(trích Kinh Pháp Bảo Đàn)

* TÓM LẠI

Cầu vãng sanh tức rơi vào ngã tướng (chấp Ngã, chấp Pháp), vọng cầu mê chướng (tham), trái lý Nhân – Quả, lìa Tánh tu hành (si).

–> Người tu Phật thống thiết vì đại sự liễu sanh thoát tử hãy nhẫn lực tâm hành tự giác – tự độ chơn thật thì ắt sẽ được 10 phương Chư Phật độ trì tu tiến.

–> Tuyệt đối không khởi niệm mê cầu vãng sanh mà hãy tinh tấn trì giới tâm thiền miên mật nơi Phật hiệu không ngừng thì ắt sẽ tự khế Đạo mà thôi, nhân – quả tự nhiên thành.

–> Phải loại trừ Cầu vãng sanh ra khỏi Kinh Luận thời nay.

Nếu cầu vãng sanh là nghịch hành trái Đạo thì Tiếp Dẫn lại chính là tà kiến mê tín thần quyền báng bổ Đức Phật A Di Đà.

–> Phải loại trừ danh xưng Tiếp Dẫn ra khỏi Kinh Luận thời nay.

Cực Lạc là tướng Khổ, là danh xưng lắm mùi tục lụy uế trược nên:

–> Đừng tà kiến hành Ma sự gán tục danh này cho Cõi Phật Vương tối cao vô thượng.

–> Phải loại trừ danh xưng Cực Lạc ra khỏi Kinh Luận thời nay. 

Vì vậy:

  1. Cần loại trừ Tà pháp Cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc để khôi phục Chánh Pháp Phật truyền, làm trong sạch cửa Tịnh khỏi tà kiến thần quyền, giữ gìn huệ mạng của chúng sanh đời đời nơi Tam Bảo. 
  2. Câu niệm: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật cần sửa lại là: Nam mô Tây Phương Thế Giới Đại Từ Đại Bi Đại Cổ Phật Vương A Di Đà Phật, hay Nam mô Thập Phương Tam Thế Phật Mẫu Đại Từ Đại Bi Đại Cổ Phật Vương A Di Đà Phật.
  3. Tây Phương Cõi Phật A Di Đà vô thượng trang nghiêm tịch tịnh vi diệu, không thể nghĩ bàn. Người tu Phật chỉ nên liễu tri kính tín thế thôi, không diễn giải chướng trái. Vì thế, khuyên Phật tử đừng mong thấy Phật, đừng cầu vãng sanh… mà hãy trực Tâm y Tánh thọ trì: nhẫn lực tinh tấn tâm hành vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ niệm Phật, kể cả ý niệm tâm hành vô trụ đó cũng không dính mắc thì mới đích thực là Chơn Niệm Phật, đúng như lời Phật dạy: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Đây chính là Tôn chỉ tu Phật cho muôn đời hậu thế.
  4. Người tu Phật dẫu hành trì theo Pháp môn nào đều cần phải có Chánh kiến, Chánh tín. Thế nào là Chơn Tín – Nguyện – Hạnh, Phật tử hãy xem bài: Chánh kiến về niệm Phật vãng sanh.

Mong Phật tử sáng suốt và tinh tấn!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————-

Xem thêm: