Không khó để nhận thấy rằng Phật Pháp hiện nay đã bị lạm dụng không thương tiếc, gây ra những vấn nạn vô cùng nan giải mà bài viết sau đây chỉ nêu lên những điển hình.

1. Lạm dụng hai chữ “phương tiện”, “tùy thuận” để tổ chức các nghi lễ trái nghịch với Giáo lý và Giới luật nhà Phật; thậm chí còn hô hào khẩu ngữ “hằng thuận”, “nhập thế” nhằm ngụy biện cho sự phạm Giới và Tà nghiệp của Tăng sĩ hiện nay.

– Lễ cưới trong chùa (nhấp xem bài: Lễ Hằng Thuận chốn Phật môn).

le-hang-thuan
Một buổi lễ Hằng Thuận (lễ cưới) được tổ chức trong chùa

– Nghi lễ cúng sao giải hạn đầu năm: ít nhiều mọi người đều biết việc cúng sao giải hạn vốn đi ngược lại giáo lý Nhân quả – Nghiệp báo mà Đức Phật đã từng dạy.

cung-sao-giai-han

Thế nhưng, nhiều chùa vẫn cứ điềm nhiên tổ chức, hàng ngàn người đến hẹn lại chen lấn xô đẩy nhau đăng ký rồi sẵn sàng nhịn đói, chịu rét, đùn đẩy để tranh nhau một chỗ ngồi được “đồn” là thiêng liêng khi Tăng sĩ hành lễ. Rõ ràng, Tăng sĩ đã lạm dụng hai chữ “phương tiện” đến mức làm cho nhiều người rơi vào “thiên la địa võng” rồi cuối cùng lại tiến thoái lưỡng nan với tà kiến mê tín thần quyền trái nghịch luật Nhân quả – Nghiệp báo chí công của nhà Phật. Giải hạn nhưng nạn ách vẫn cứ ùn ùn kéo đến, thế rồi bán tín bán nghi vào những điều mình mong đợi là “dâng sao sẽ được giải hạn” nhưng nếu không làm thì tâm lại bất an. Thế là họ cứ lẩn quẩn mê mải “nhắm mắt” làm điều vô nghĩa trái Pháp mà phía chùa chiền, Tăng sĩ lại không thuyết giảng nhằm thức tỉnh họ tin sâu vào luật Nhân – Quả tuần hoàn, khuyến tấn họ ý thức và chịu trách nhiệm với suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, chỉ dẫn họ làm lành lánh dữ, ăn chay, tọa thiền, niệm Phật… để trưởng dưỡng Đạo tâm, tịnh hóa nghiệp lực, tập tu hành theo Chánh Pháp Phật (?). Chùa vẫn cứ ung dung tổ chức một cách công khai bằng các bảng niêm yết “cách tính sao”, “thời khóa các lễ dâng sao giải hạn”, thậm chí các hoạt động này còn thu phí dưới dạng “phiếu công đức”mặc cho bao người ta thán (?). Cũng dễ hiểu thôi, bởi nhờ “phương tiện” “tùy thuận chúng sanh” này mà không ít chùa chiền, Tăng sĩ “hái tiền” không ít, thật là xót xa! Họ đã mượn Đạo tạo Đời, lạm dụng Phật Pháp để cho nạn cúng sao giải hạn xâm thực làm biến tướng Đạo Phật. Quý Phật tử cần cẩn trọng, tránh xa.

Su-pham-Gioi-Luat

– Phạm Giới luật mà vẫn ung dung hành đạo với khẩu hiệu “Tinh thần nhập thế”: nhiều vị tu sĩ dù đã cắt ái ly gia, nguyện thoát ly nhà thế tục nhưng vẫn tiếc nuối đeo đuổi đam mê ca hát thuở nào với đầy đủ thể loại: trữ tình, chèo, cải lương…; thậm chí còn phát hành album, lên kế hoạch quảng cáo ra thị trường âm nhạc, tung video clip lên các trang YouTube… để câu “like” (thích). Họ sẵn sàng gạt bỏ Giới luật nhà Phật sang một bên vì “phương tiện” âm nhạc vừa có thể thỏa mãn đam mê ca hát diễn tuồng từ trong máu thịt, vừa là bức bình phong an toàn với khẩu ngữ “tùy thuận”, “nhập thế” hướng mọi người đến với Đạo Phật. Dưới danh nghĩa đó, tà hạnh, tà nghiệp, tà mạng này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không ít Phật tử. Thậm chí, không thấy có sự phản hồi tích cực nào từ Giáo Hội trước vấn nạn trên.

Xem bài: Oai nghi phạm hạnh người xuất gia.

2. Lợi dụng khuôn viên của chùa chiền, tự viện mà đứng ra tổ chức hay phối hợp với Phật tử để hoạt động kinh doanh bát nháo tại chốn Phật môn thanh tịnh (nhấp xem bài: Kinh doanh chốn Phật môn).

Kinh doanh bát nháo tại sân chùa

3. Dịch vụ tụng đám buôn Kinh bán Phật qua tang sự đau lòng của gia đình Phật tử ngay tại tư gia hoặc ở chốn Phật môn thanh tịnh (nhấp xem bài: Tụng đám). 

4. Lợi dụng đức tin và tài vật cúng dường của đàn na tín thí để vinh thân phì da, xây chùa to tháp lớn như cung vàng điện ngọc, áo mũ xềnh xang, gấm hoa lòe loẹt, giường cao chiếu rộng, phương tiện xa xỉ làm hao tốn không biết bao nhiêu tiền của, thốn xót mắt tâm biết bao người.

Thời nay, tu sĩ giữ gìn giới luật tinh nghiêm và trai giới thanh tịnh thì quá hiếm, còn những tu sĩ lạm dụng tiền của đàn na tín thí ăn không ngồi rồi, sống hưởng thụ xa hoa, dục lạc hơn cả người thế tục thì chẳng thiếu gì. Đời sống hiện rất khó khăn, tìm kế sinh nhai để làm nên cuộc sống thật vất vả biết nhường nào cho nên có không ít người lợi dụng thanh danh Phật giáo, niềm tin của Phật tử mà chui rúc vào chùa núp bóng ký sinh để mưu tìm kế sống, xem việc xuất gia cao thượng là nghề hái ra tiền chẳng mệt mỏi tốn công vì vừa có danh là Thích tử lại vừa có lợi được nhiều Phật tử nhẹ dạ cả tin tôn sùng kính bái, thần thánh hóa mà cúng dường không nghĩ, chẳng cần lao nhọc đổ mồ hôi sôi nước mắt mà vẫn sung túc phủ phê không thiếu thứ gì… Quý Phật tử hãy đề cao cảnh giác trước những tu sĩ buôn Phật bán Pháp; đồng thời, cần có Chánh kiến tư duy trước mọi cử chỉ trong đời sống tu hành, trong những lời giảng thuyết, kể cả thân giáo của mọi tu sĩ để minh định xem họ nói và hành có thật sự tương ưng hay chỉ giỏi thuyết suông; lời họ giảng có khế hợp với Phật lý không; họ có sống đời thiểu dục tri túc, giới hạnh trang nghiêm theo khuôn phép nhà Phật hay không… Dưới con mắt trạch pháp, Quý Phật tử có thể minh định rõ Chánh – Tà, ai tu hành chơn thật hay giả dối; từ đó, quyết không thân cận Tà sư giả tu, không góp phần dung dưỡng tà nghiệp hủy Phật báng Pháp, gìn giữ huệ mạng tu hành, tránh khổ đọa về sau.

Xem bài:

5. Lạm dụng Phật danh của Chư Phật, Pháp danh của Chư Tổ để đặt tên cho các buổi sinh hoạt Phật tử, trong các buổi tọa đàm, khai xuân đầu năm, trên băng-rôn, cổng chào… tại các chùa như: Trại “Ca Diếp”, Mừng Xuân “Di Lặc”…

lam-dung-Phat-danh

Người tu Phật nên rõ, trong Thập Nguyện Phổ Hiền thì “Lễ Kính Chư Phật” là tâm hạnh đi đầu. Lại nữa, mỗi câu niệm Phật hay Phật hiệu của mỗi vị Phật đều là những mật chú có công năng vi diệu không thể nghĩ bàn, giúp hành giả tịnh hóa nghiệp chướng, phá mê khai ngộ, tự giác – giác tha viên mãn trên lộ trình giác ngộ – giải thoát. (nhấp xem bài: Mật tông). Do đó, lạm dụng Phật danh của Chư Phật, Pháp danh của Chư Tổ dù dưới mục đích hay danh nghĩa tốt đẹp gì đi nữa cũng đều là phạm Thượng bất kính, tối kỵ phải tránh.

6. Lạm dụng tôn ảnh Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hộ Pháp trong việc kinh doanh của các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất.

lam-dung-anh-Phat

– Chẳng hạn, trên nhãn mác của các doanh nghiệp làm nhang, trầm hương… thì ngoài thông tin về thương hiệu, cơ sở sản xuất… còn có in hình Phật, Bồ Tát hay Hộ Pháp đi kèm. Lẽ nào các vị ấy không biết rằng hình tượng Phật, Bồ Tát chỉ để tôn kính quy ngưỡng phụng thờ trong chùa hay ở bàn thờ Phật tại gia mà qua đó, người con Phật sẽ nương theo Tôn ảnh tu tầm về Tánh Giác, hành theo hạnh Phật, trưởng dưỡng tâm Bồ Đề? Dùng tôn ảnh ngoài mục đích trên đều là lạm dụng, mang tội bất kính, phạm Thượng phải tránh. Do đó, Quý doanh nghiệp lưu ý không sử dụng tôn ảnh Chư Phật, Chư Bồ Tát in trên nhãn mác thương hiệu của mình. Làm vậy tức giữ được lòng tôn kính đối với Chư Phật, Chư Bồ Tát, tâm đạo trên ngành nghề mình mưu sinh; lại giữ cho sự nghiệp kinh doanh của mình là Chánh Nghiệp, Chánh Mạng theo tinh thần Bát Chánh Đạo của nhà Phật, tránh vô tình tạo nghiệp phạm Thượng bất kính vướng lụy vào thân. Còn Quý Phật tử khi mua nhang về nếu thấy tôn ảnh Phật, Bồ Tát trên nhãn thì đừng theo thói quen xé bỏ vào xọt rác không nên mà hãy cất giữ hoặc đốt đi, tuy nhiên xin lưu ý vừa đốt vừa niệm Phật.

lam-dung-anh-Chu-Phat

– Tương tự như vậy với các băng rôn, cổng chào, đồng hồ, lịch treo tường, quả (dưa hấu…) có in / khắc tôn ảnh Phật. Nhiều người thậm chí dùng tôn ảnh / tượng Phật (như Tổ Đạt Ma, Mẹ Quán Thế Âm…) để trang trí trong phòng khách, phòng làm việc, thậm chí là phòng ngủ vốn vô cùng nhớp nhơ, bất tịnh, hạ liệt…  Hãy ghi nhớ: Tôn ảnh / tượng Chư Phật, Chư Bồ Tát chỉ để tôn kính quy ngưỡng phụng thờ mà thôi. Nếu muốn chiêm ngưỡng thì ra bàn thờ Phật mà tịnh tâm, tu niệm.

su-lam-dung-phat-phap-01– Bên cạnh đó, nhiều nơi còn in, khắc… tôn ảnh Đức Phật, Bồ Tát lên mặt dây chuyền, vòng đeo tay để làm trang sức trên người, tin rằng đeo vào sẽ được độ bình an. Họ nào biết rằng tấm thân tứ đại của chúng ta vốn vô cùng bất tịnh, hôi tanh, lại thường hay sinh hoạt ở những nơi xú uế như phòng tắm, nhà vệ sinh, phòng ngủ… thì việc mua bán trang sức có in / khắc tôn ảnh Phật, Bồ Tát chính là Tà mạng – Tà nghiệp tục hóa Chư Phật, phạm Thượng bất kính, ắt tự chuốc lấy khổ đọa sau này. Điều đáng trách hơn là có không ít Tu sĩ đã hưởng ứng, cổ xúy cho Pháp nạn này, góp phần gieo rắc Tà tín thần quyền cho Phật tử, báng bổ Tam Bảo. Chương trình: Phát Lộc Đầu Năm (“Lộc” là 1 mặt dây chuyền có in tôn ảnh Đức Phật) khá phổ biến trong các tự viện thời nay là 1 ví dụ điển hình.

su-lam-dung-phat-phap-02

– Ngoài ra, Phật Danh của Đức Cổ Phật Vương A Di Đà còn bị lạm dụng in trên nón, áo tràng, ba lô… với lý do thoạt nghe rất Đạo vị: nhắc nhở mọi người niệm Phật, hướng Phật. Họ nào biết rằng: Phật Danh tức là Phật Bảo, đã là Phật Bảo thì người Phật tử phải trực tâm y Tánh chí thành phụng thờ trì kính trang nghiêm, tuyệt không được phép tục hóa Phật Bảo như Pháp thế gian dù dưới bất cứ lý do gì. Nếu không thì chẳng khác nào Tà sư hành Ma sự báng bổ Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), phá kiến điên đảo Phật Pháp, ắt sẽ chuốc lấy khổ đọa muôn kiếp mà thôi.

* TÓM LẠI

Tăng – Ni tu hành phải giữ gìn, xiển dương và hộ trì Giới luật, sống đời phạm hạnh làm Thân giáo cho chúng sanh.

Đạo Phật là Đạo giác ngộ – giải thoát tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, do căn trí và nghiệp lực sai biệt mà chúng sanh ngộ Pháp giác Tánh sâu cạn chẳng đồng nên Phật dạy “tùy duyên” mà “phương tiện thiện xảo” để phá mê khai ngộ chúng sanh. Tuy nhiên, tùy duyên và phương tiện thiện xảo như thế nào, có “Chánh” hay không đều tùy ở công hạnh tu hành liễu ngộ Phật Pháp đến đâu của hành giả con Phật. Nếu sự tu hành còn non cạn, Chánh kiến và Trí huệ chưa khai mở thì “tùy duyên” rất dễ hiểu sai và lạm dụng trở thành “tùy tiện”, “phương tiện thiện xảo” trở thành “trái Pháp” (không đúng Chánh Pháp Phật) khi hoằng đạo mà tự chẳng biết, cuối cùng chỉ khiến chúng sanh thêm lầm đường lạc lối, đắp mê bồi ngã chướng càng sâu. Đó là bởi vì chưa tự độ được mình đã vọng muốn làm Thầy độ tha, khác gì người mù mở lối mù dẫn dắt người đi trong ma trận vô minh tăm tối. Do đó, rốt ráo mà nói, duy chỉ có Bậc kiến Tánh mới có thể tùy duyên khai phương tiện thiện xảo độ chúng phá mê khai ngộ mà thôi! Hãy ghi nhớ!

Phật Danh của Chư Phật và Tôn ảnh / tượng Phật, Bồ Tát chính là Phật Bảo và Pháp Bảo, Tín chúng phải tuyệt đối tôn kính mà thờ phụng, tu trì. Không được tùy tiện lạm dụng Phật Bảo – Pháp Bảo cho bất kỳ việc gì khác mà chuốc nghiệp vào thân, ắt phải gánh lấy khổ đọa về sau!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên