phat-phap-van-dap-a-di-da-phat-hay-a-mi-da-phat

* CÂU HỎI

Kính thưa chư Liên hữu!

Con cũng thắc mắc chuyện này từ lâu, lúc đầu con không tin Hòa thượng Trí Tịnh thực hành niệm “NAM MÔ A Mi ĐÀ PHẬT”, nay dù biết đúng là Hòa Thượng có niệm như vậy nhưng con thấy việc niệm danh hiệu nào cũng có nhân duyên riêng của mỗi vị. Nếu quá chấp vào văn tự, có lẽ tất cả chúng ta đều phải học Phạn văn tụng kinh bằng Phạn văn, trì chú bằng Phạn văn và niệm Phật cũng bằng Phạn văn luôn. Con đọc bài viết này thì nhớ đến Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Đức Phổ Hiền Đại Bồ Tát dạy Hoàng Thái Hậu Vi-đề-hi rằng: 

Lại nữa, không thể chấp trước nơi ngữ ngôn, văn tự, âm thanh, tri kiến, biện luận… mà bảo rằng danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật là hữu niệm hoặc vô niệm. Vì sao vậy ? Bởi vì danh hiệu ấy chính là Không Tánh, là Vô sở đắc, là Vô sở ý, Vô cấu nhiễm, là Vô sở tương ưng, là Vô sở bội nghịch, Vô công dụng hạnh, là Vô sở cầu hạnh“.

 (Trích: Kinh Niệm Phật Ba-la-mật
Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập chuyển từ Phạn sang Hán 
Hòa thượng Thích Thiền Tâm chuyển từ Hán sang Việt văn)

Cái này do xuất phát từ chữ Amitabha mà ra. Con nghĩ đơn giản lắm, giống như tiếng Việt là “mèo” – tiếng Anh là “cat”, tuy phát âm không giống nhau nhưng người ta đều hình dung trong đầu là con mèo mà thôi. Niệm Phật A Di hay A Mi đều được, miễn là trong tâm ta nghĩ tới Phật A Di Đà.

Như vậy, niệm A Di hay A Mi là tùy duyên của mỗi vị, không nên phân biệt, chống báng lẫn nhau.

Hãy cẩn trọng!

 

* PHÚC ĐÁP

Không thể dựa trí phàm mà nói nên hay không. Nếu không lấy Diệu Pháp Phật làm chuẩn mực quy chiếu, dùng trí Thiền Định để liễu trạch thật hư, chánh tà thì ắt bị mê lầm cho Tà pháp là Phật Pháp, rồi hành trì sai. Dựa theo Phật lý mà Đức Bổn Sư đã từng cảnh tỉnh, khuyên răn kẻ tu thiền niệm Phật thì A “Mi” đích thực xuất phát từ Tà mị mộng mê và hành trì sai lệch, cớ sao dùng cái dịch nghĩa của ngôn từ để biện hộ thêm?!

Nhân Duyên có thuận có nghịch, có thắng duyên và có cả chướng duyên trong sự tu hành. Vì thế nên biệt nghiệp chẳng đồng, thành tựu sai khác, thăng – giáng tuỳ “nhân”.

Lời Ngài Phổ Hiền dạy, Phật tử chấp vào “không chấp” nên chẳng liễu nghĩa, tự cho niệm gì cũng đúng thì khác gì tu mù? Lời dạy trên hướng hóa chúng sanh hãy quy kính nương nơi Phật hiệu mà tự giác – tự tu – tự độ – tự ngộ, đừng ái thủ ngã tướng tham cầu mê nhiễm chướng trái chứ chẳng phải mở đường “không chấp” cho Ma sự phát sinh, niệm niệm chướng lấp cửa ngộ! 

Tạm nói về ngữ nghĩa, ví dụ cái Truyền hình có tiếng Anh là Television. Nếu ghép nói “tele hình” hay “truyền vision”…, hỏi có nghĩa lý chăng? Nơi việc gán ghép loạn ngôn từ sự tướng hữu vi đã dẫn đến và minh chứng cho điều vô nghĩa, trái lý như vậy, huống gì Phật danh – mật chú A DI ĐÀ PHẬT tôn quý đã từng dìu dắt, hóa độ mê phàm, sao có thể dụng tâm gán ghép, thay đổi DI thành MI để rồi niệm niệm (A MI) tù mù, rốt cuộc luống công (?).

Nếu bảo “Tất cả Pháp đều là Phật Pháp” thì hãy niệm “Tên mình” xem sao? Chú Phật đừng trì, hãy trì Tà chú, thử xem thế nào? Nếu không, có phải là “chấp” quá chăng? Còn ngược lại, hãy: Nam mô A Di Đà Phật.

“Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, vì thế Phật dạy “Y Pháp bất y Nhân; y Trí bất y Thức”. Không có Vô Sư Trí mà luận Pháp đều là Ma sự. Qua cộng đồng mạng, 1 lời khuyến tấn đúng Chánh Pháp thì thôi, ngược lại nhân – quả không hề nhỏ. Phật tử cẩn trọng!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————————-

Tham khảo: